Sáng 19/7, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024).

Trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, rạng sáng ngày 21/7/1954, 3 Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia lần lượt được ký kết.

ab1ebd20ea7c4f22166d.jpg
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu tham quan triển lãm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva. Ảnh: P.H

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, cách đây đúng 70 năm, Hiệp định Geneva được ký kết tại Geneva (Thụy Sỹ), trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Về đối ngoại, Hội nghị Geneva 1954 là diễn đàn đa phương có sự tham dự, đàm phán trực tiếp của các nước lớn mà lần đầu tiên Việt Nam tham gia.

"Trong lần tham dự đầu tiên này, ngoại giao Việt Nam đã khẳng định tâm thế, bản lĩnh, trí lực của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến; có ý chí quật cường bảo vệ nền độc lập; thấm đượm tinh hoa văn hóa dân tộc và tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.

5e61c9f69faa3af463bb.jpg
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Nhìn lại 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva là dịp thế hệ ngày nay hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn và tri ân sự hy sinh, công lao to lớn của thế hệ lãnh đạo, cán bộ cách mạng tiền bối.  Ảnh: P.H

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn kết hợp khéo léo giữa “đánh” và “đàm”, giữa giành thắng lợi mang tính chiến lược trên chiến trường với giải pháp ngoại giao để bảo vệ nền độc lập, lập lại hòa bình.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao, chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva là một sự kết hợp mẫu mực và điển hình như vậy. Sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận chính trị và quân sự, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chuyển hóa những thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi về chính trị, pháp lý, đối ngoại.

Nghiên cứu về Hội nghị Geneva luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà chính trị, ngoại giao, quân sự và nhà nghiên cứu lịch sử ở trong nước, ngoài nước trong suốt 70 năm qua.

"Thời gian đã lùi xa, các nhân chứng lịch sử hầu như không còn, hội thảo lần này được tổ chức rất kịp thời, thông qua trao đổi thẳng thắn, khoa học, khách quan để thống nhất nhận thức trong nội bộ ta về vai trò và ý nghĩa của Hiệp định, trên cơ sở đó đề xuất những sáng kiến, bài học về vận dụng kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đối ngoại ngày nay", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ.

b4a76c353a699f37c678.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: P.H

Quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học quý giá về đối ngoại, thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, tại Hội nghị Geneva, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kiên định lập trường độc lập dân tộc.

Ngoài ra, còn vừa tự chủ, tự cường trong cuộc đấu tranh bền bỉ, can trường với sự dàn xếp, chi phối của các nước lớn; vừa có những nhân nhượng khôn khéo, mềm dẻo, từng bước đàm phán tháo gỡ những bế tắc, căng thẳng, giải quyết thành công nhiều vấn đề rất khó.

744568d23e8e9bd0c29f.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thắng: Cần phát huy giá trị, bài học kinh nghiệm của Hiệp định Geneva, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Ảnh: P.H

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhìn nhận, từ Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, Tạm ước ngày 14/9/1946 cho đến Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 đã từng bước chứng kiến sự trưởng thành và lớn mạnh của nền ngoại giao cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn tham gia Hội nghị Geneva đã công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là: Chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. 

Ý nghĩa lịch sử to lớn của Hiệp định Geneva được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 22/7/1954: “Ngoại giao ta đã thắng lợi to… Chính phủ Pháp đã thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, lãnh thổ toàn vẹn của nước ta, thừa nhận quân đội Pháp sẽ rút khỏi nước ta...”.

Nói về ý nghĩa thắng lợi và cục diện mới của cách mạng Việt Nam do Hiệp định Geneva mang đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Nếu như trước đây ta chỉ có rừng núi và đêm, giờ đây ta có cả sông biển và ban ngày”. 

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, 70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Geneva vẫn còn vẹn nguyên giá trị, với những bài học kinh nghiệm quý báu, phản ánh sinh động nguyên tắc, phương châm, nghệ thuật đối ngoại, sự trưởng thành, những đóng góp to lớn của nền ngoại giao Việt Nam.

4253fde8b7b412ea4ba5.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: P.H

Ông Nguyễn Xuân Thắng nêu ra 5 bài học đó là: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; Phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; Giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết và trước hết; Quán triệt sâu sắc phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; Phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.