Bước ngoặt vừa quét qua Ukraine, buộc Tổng thống nước này phải bỏ chạy khỏi dinh thự, đồng thời trả tự do cho một nhà lãnh đạo đối lập nổi bật.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


{keywords}

Ngày 22/2 là ngày người Ukraine chứng kiến những biến động chóng mặt. Ngày sau đó, 23/2, lại đưa đến rất nhiều câu hỏi: Ai đang nắm quyền lãnh đạo? Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych đang ở đâu? Và quan trọng nhất là với Thế vận hội Mùa đông ở Sochi đang khép lại, Nga - một đồng minh của ông Yanukovych, sẽ phản ứng thế nào?

Dưới đây là một số vấn đề đang tồn tại ở Ukraine:

Liệu bản hiến pháp cũ có khiến người biểu tình hài lòng?

Một loạt hành động nhượng bộ bắt đầu xuất hiện từ ngày 21/2, với việc các nghị sĩ Quốc hội Ukraine đồng loạt nhất trí trở lại Hiến pháp năm 2004. Điều đó đồng nghĩa với việc Tổng thống sẽ có ít quyền hơn - một yêu sách chính của những người biểu tình chiếm giữ Tòa thị chính Kiev trong nhiều tuần qua - và dọn dường cho các nhà lập pháp chỉ định các bộ trưởng then chốt.

Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, phe đối lập đã đòi đưa ra Quốc hội những sửa đổi theo đó sẽ hạn chế quyền lực của Tổng thống nhưng Chủ tịch Quốc hội không đồng ý. Đụng độ dẫm máu đã xảy ra.

Với việc bản hiến pháp cũ đang nhận được tín hiệu đèn xanh, liệu những người biểu tình đổ ra đường phố những ngày qua có cảm thấy mục đích của họ được đáp ứng?

Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đã được trả tự do. Liệu bà có thể trở thành lãnh đạo phe đối lập?

Cũng giống như nhiều vấn đề khác ở Ukraine, không có lời đáp rõ ràng cho câu hỏi này.

Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko được tự do sau hai năm rưỡi ngồi tù, và bà đã trở lại thủ đô Kiev hôm 22/2. Nữ chính trị gia này đã có những lời lẽ rất mạnh mẽ dành cho Tổng thống khi phát biểu trước đám đông reo hò giữa Quảng trường Độc Lập Kiev.

Tymoshenko làm Thủ tướng từ năm 2007 và buộc phải rời nhiệm năm 2010 sau khi thất cử trước ông Yanukovych. Một năm sau, bà lĩnh án 7 năm tù vì bị kết tội lạm quyền liên quan đến một hợp đồng khí đốt tự nhiên với Nga.

Phương Tây coi bản án dành cho Tymoshenko xuất phát từ động cơ chính trị và gọi bà là một "tù nhân chính trị".

Người đẹp tóc tết này từng được ca ngợi như một người hùng của cuộc cách mạng năm 2004, sự kiện đã buộc kết quả một cuộc bầu cử Tổng thống mà ông Yanukovych giành chiến thắng bị hủy bỏ.

{keywords}

Ai sẽ lãnh đạo Ukraine cho đến cuộc bầu cử tháng 5?

Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu phế truất Tổng thống và quyết định tổ chức các cuộc bầu cử mới vào ngày 25/5. Như vậy sẽ có một khoảng trống chính trị từ nay đến khi đó?

Một lần nữa, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Yanukovych khẳng định ông vẫn nắm giữ quyền lực trong khi liên minh đối lập có rất nhiều tiếng nói khác nhau, và mỗi phe trong liên minh này đang nỗ lực khẳng định ưu thế.

Nhà cựu vô địch quyền Anh thế giới Vitali Klitschko là một nhân vật đối lập nổi tiếng nhất trong cuộc khủng hoảng này. Ông đã dẫn đầu đảng Liên minh Dân chủ vì Cải cách Ukraine. Thế nhưng, phe đối lập không chỉ gồm Klitschko và đảng của ông mà còn có cả Arseniy Yatsenyuk, một thủ lĩnh đối lập khác từng là Ngoại trưởng.

Tháng trước, Tổng thống Yanukovych đã đưa ra một gói nhượng bộ, theo đó Yatsenyuk sẽ trở thành Thủ tướng còn ông Klitschko giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề nhân đạo. Phe đối lập đã từ chối.

Tổng thống bỏ trốn. Ông đang ở đâu?

Tin mới nhất là Yanukovych đang ở Kharkiv, một thành trì thân Nga gần biên giới giữa Ukraine và nước này. Các nhà chức trách cho biết, Yanukovych định rời đất nước bằng máy bay nhưng đã bị chặn lại.

Tuy nhiên, sau đó, Tổng thống Ukraine lên sóng truyền hình tuyên bố ông vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp. Ông khẳng định mình buộc phải rời Kiev vì "những hành động cố ý phá hoại, vô đạo đức và một cuộc đảo chính".

"Tôi không có kế hoạch rời khỏi đất nước. Tôi không có kế hoạch từ chức. Tôi là Tổng thống hợp pháp", Yanukovych khẳng định trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện ở Kharkiv.

Nga sẽ phản ứng?

Nga hiện đang bận rộn với vai trò chủ nhà của Thế vận hội Mùa đông, sự kiện kết thúc vào hôm nay (23/2). Tuy nhiên, nước này có liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine, khi biểu tình khởi phát hồi tháng 11 vì ông Yanukovych hủy bỏ một thỏa thuận thương mại với châu Âu và hướng sang Nga.

Nga cam kết sẽ cho Ukraine vay tiền trong một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đôla và giảm giá khí đốt. Thỏa thuận này đã khiến người biểu tình đổ ra đường khi Nga gây sức ép đòi Yanukovych dẹp biểu tình.

Hôm 22/2, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin lên án những gì ông gọi là nỗ lực của phương Tây nhằm gây ảnh hưởng đến kết quả bất ổn ở Ukraine. "Hoặc họ không hiểu những hậu quả việc mình đang làm, hoặc họ tham gia vào một trò chơi rất kích động gây bất ổn Ukraine và từ đó là cả Đông Âu", Churkin viết trên Twitter.

Thanh Hảo (Theo CNN)