LTS: Thiếu điện cao điểm nắng nóng vừa qua gây tổn hại hàng tỷ USD và vẫn là mối nguy hiện hữu trong vài ba năm tới. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của khu vực tư nhân vào đầu tư nguồn điện đang đặt ra những vấn đề quan trọng về chính sách thu hút đầu tư. Trong khi đó, cơ chế điều chỉnh giá điện vẫn đang thiếu tính thị trường.

Tuyến bài "Tương lai của ngành điện" phân tích những nút thắt đang tồn tại, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư cho nguồn điện mới cùng những thay đổi cần thiết về chính sách giá điện.  

Ứng phó nỗi lo thiếu nguồn

“Thực tế cung ứng điện thời gian qua cho thấy, việc tiếp tục giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - một doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) - nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế không còn phù hợp. Cơ chế nói trên đã đến tới hạn của nó; nếu tiếp tục duy trì thì vừa làm suy yếu EVN, vừa gây thêm thiếu hụt và bất ổn trong cung ứng điện cho nền kinh tế”.

Đó là điều được TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đúc kết khi trình bày tại một hội thảo do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hồi tháng 6.

Ý kiến ông Cung khi đó vẫn “lạc lõng”, bởi việc EVN đảm bảo cung ứng điện đã được coi là điều bất biến mấy chục năm nay.

Tư nhân đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo.

Nhưng giờ đây, quan điểm trên của ông Cung khiến nhiều người phải suy ngẫm. Đó là bởi, Chính phủ đã quyết định tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) khỏi EVN về trực thuộc Bộ Công Thương. Khi A0 là đơn vị độc lập với EVN, trách nhiệm trong khâu phát điện của tập đoàn sẽ giới hạn ở tỷ lệ khoảng 38% công suất lắp đặt, khi được yêu cầu huy động. Trách nhiệm thiếu điện, nếu có, sẽ thuộc về Bộ Công Thương bởi A0 là cơ quan điều độ hệ thống và làm thị trường điện.

Vấn đề hiện nay là phải làm sao đầu tư thêm được nhiều nguồn điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 10% mỗi năm. Các DNNN như EVN, PVN, TKV sẽ nắm trọng trách này hay khu vực tư nhân sẽ vươn lên nắm vai trò chủ đạo?

Quan điểm của EVN là bên cạnh khuyến khích các thành phần kinh tế, cần xem xét tiếp tục giao các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm và đảm bảo giữ tỷ lệ nguồn điện phù hợp trong các giai đoạn quy hoạch.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia năng lượng đang kêu gọi để tư nhân đầu tư. Khi nhiệt điện than đang dần phải từ bỏ, thì điện khí LNG, điện gió, điện gió ngoài khơi,... hy vọng có nhiều nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước rót tiền.

Từ năm 2019, Tập đoàn Enterprize Energy Group đã đề xuất Thủ tướng xin triển khai 3.400MW điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận, với tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD. Cuối năm nay, tập đoàn dự kiến sẽ nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Doanh nghiệp này muốn làm cả đường dây truyền tải từ dự án về Bình Dương - Đồng Nai.

“Chúng tôi không quan ngại giá ưu đãi (FiT) hay không FiT, mà mức giá phải hài hòa được lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và người dân chấp nhận được. Nhưng có một nguyên tắc bất biến là sau những dự án đầu tiên, giá điện gió ngoài khơi sẽ giảm xuống”, đại diện tập đoàn chia sẻ và đề xuất Chính phủ chọn một dự án thí điểm và đàm phán giá.

Theo GS.TS Lê Chí Hiệp, Đại học Bách khoa TP.HCM, 5 năm tới, nếu triển khai không khéo việc thiếu nguồn có thể xảy ra.

“Chúng ta có mâu thuẫn là phải cắt giảm nguồn điện than, triển khai điện khí LNG, nhưng sự thực là tổ chức triển khai như thế nào để có kết quả. Nếu chúng ta triển khai tốt thì may ra mới có thể đảm bảo không thiếu nguồn, còn nguy cơ thiếu nguồn vẫn có thể xảy ra”, GS.TS Lê Chí Hiệp nhận định.

DNNN hay tư nhân đều cần được gỡ về chính sách và giá

Nhiều năm qua, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã không được thực hiện nghiêm túc. Không ít dự án nguồn điện cả của DNNN và tư nhân đầu tư dưới dạng BOT hay nhà máy điện độc lập (IPP) đều chậm tiến độ. Trong khi DNNN vướng thủ tục, vốn thì khu vực tư nhân lại thiếu cả kinh nghiệm, vốn, “tắc” cả đàm phán giá điện... khiến nhiều dự án chỉ nằm trên giấy.

Nhiệt điện than sẽ phải cắt giảm. Ảnh: EVN

Để đẩy nhanh các dự án nguồn điện giai đoạn tới, những nút thắt kể trên cần phải được tháo gỡ. EVN kiến nghị tăng cường phân cấp cho các DNNN, trong đó giao quyền cho HĐTV các tập đoàn kinh tế do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quyền quyết định các nội dung về phương án huy động vốn, đầu tư, thực hiện dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp,...

Trong khi đó, PVN cũng kiến nghị tổ chức quán triệt, phổ biến và hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về năng lượng để đảm bảo kịp thời xử lý bất cập và nâng cao tính thực thi của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực năng lượng.

Đặc biệt, trong khi chờ đợi luật chung cho tất cả các loại năng lượng tái tạo, Chính phủ xem xét ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý riêng cho điện gió ngoài khơi để thực hiện mục tiêu điện gió ngoài khơi đã nêu trong Quy hoạch điện VIII.

Còn ở phía tư nhân và các DNNN ngoài EVN, yếu tố giá và đảm bảo lợi nhuận đầu tư lại rất quan trọng. Không ít dự án do nước ngoài đầu tư nhiều năm không thể khởi công bởi vướng đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA).

Đơn cử dự án điện khí LNG Bạc Liêu 4 tỷ USD của Công ty Delta Offshore Energy. Được cấp phép đầu tư năm 2020, nhưng sau 3 năm, dự án này vẫn chưa thể và chưa biết bao giờ khởi công. Lý do chính là nhà đầu tư đã yêu cầu trong PPA phải cam kết nhiều điều khoản vượt quá khung khổ pháp luật Việt Nam và chưa có tiền lệ.

Dự án điện khí như LNG Nhơn Trạch 3&4 của PV Power (thuộc PVN), sau nhiều năm khởi động, vẫn loay hoay đàm phán hợp đồng mua bán điện. Vướng mắc chính là chủ đầu tư muốn phải được EVN cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm để dự án yên tâm về mặt doanh thu, đảm bảo hiệu quả dự án. Đây lại là điều EVN rất khó cam kết.

Chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam), cho rằng: Để thực hiện Quy hoạch điện VIII hiệu quả, với các dự án nguồn điện quan trọng quốc gia cần thiết có chế độ giám sát nghiêm ngặt từ Chính phủ, Bộ Công Thương, không để xảy ra tình trạng chậm kéo dài.

“Vốn đầu tư cho các công trình điện là lớn, vì vậy cần thiết huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước bằng cách xem xét bảo lãnh Chính phủ với một số dự án ưu tiên, quan trọng; điều chỉnh các cơ chế nhằm tránh rủi ro cho các nhà đầu tư BOT đã và đang đàm phán hợp đồng. Với các dự án LNG, có thể không còn áp dụng loại hình BOT, thì cần thiết có cơ chế mua điện phù hợp nhằm tránh rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài”, ông Anh Tuấn khuyến nghị.

Các chuyên gia cho rằng, giá điện vẫn là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc thúc đẩy đầu tư nguồn điện. DNNN hay tư nhân bỏ tiền ra đều muốn thu được lợi nhuận. Nhưng nếu giá điện đầu vào theo thị trường mà đầu ra Nhà nước lại kiểm soát thì dễ dẫn đến cảnh “mua cao bán thấp”.

Theo một chuyên gia năng lượng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiệu quả giảm chi phí từ việc đưa cạnh tranh vào khâu đầu tư nguồn mới lớn hơn nhiều so với việc đưa cạnh tranh vào khâu vận hành các nhà máy điện đã được đầu tư xây dựng, điều này càng quan trọng đối với nước có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao như Việt Nam.

Do vậy, chừng nào EVN còn đóng vai trò là người mua duy nhất, thị trường điện còn chưa đầy đủ, thì Chính phủ cần ưu tiên trước hết cho việc áp dụng các hình thức cạnh tranh lựa chọn đầu tư nguồn mới với tiêu chí giá điện thấp nhất.

Đồng thời, các hợp đồng mua bán điện được ký kết mới cần có các điều khoản linh động, tránh tối đa các điều khoản bao tiêu, gây áp lực lên biểu giá bán lẻ điện và giảm tính minh bạch, cạnh tranh trên thị trường điện.

Bài sau: Thay đổi cơ chế điều hành giá điện: Đòi hỏi cấp bách khi A0 rời EVN