Trang Mil.in.ua dẫn lời lời ông Sunak nói rằng, Ukraine “cần được nhận thêm nhiều pháo, xe bọc thép cùng hệ thống phòng không” để có thể giành được ưu thế trên chiến trường.
“Do vậy, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên cung cấp nhiều loại vũ khí tầm xa cho Ukraine. Tôi kêu gọi các nước đồng minh hãy tăng gấp đôi sự ủng hộ quân sự cho Ukraine. Tôi muốn họ cung cấp cho Kiev những khả năng tiên tiến theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, ông Sunak khi có mặt hôm 18/2 ở Hội nghị An ninh Munich được tổ chức hàng năm tại Đức, nói.
Theo Thủ tướng Anh, phương Tây “phải thể hiện sự sát cánh bên Ukraine, và Anh đã sẵn sàng huấn luyện cho các phi công Ukraine cách sử dụng những loại tiêm kích hiện đại”.
Tuy nhiên, ông Sunak lại không nói rõ London sẽ viện trợ loại vũ khí tầm xa nào cho Kiev.
Theo Mil.in.ua, Thủ tướng Anh Sunak không phải là nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất tại Hội nghị An ninh Munich kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trước đó vào ngày 17/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố rằng các quốc gia phương Tây cần hành động nhanh chóng trong việc chuyển giao xe tăng cho lực lượng vũ trang Kiev.
NATO nêu điều kiện kết nạp Ukraine
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 18/2 cho biết, quan điểm của khối quân sự này về tư cách thành viên của Ukraine tới nay vẫn không đổi.
“Chúng tôi đã nhất trí vào năm 2008 rằng, Ukraine sẽ trở thành một thành viên của liên minh và điều đó hiện vẫn là lập trường của chúng tôi. Tất nhiên, cần đảm bảo rằng Ukraine phải là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, trước khi họ có thể chính thức gia nhập NATO. Nếu Kiev không đáp ứng được điều đó, thì sẽ không thể có cách thức nào để thảo luận về bất kỳ mối quan hệ nào giữa NATO và Ukraine trong tương lai”, hãng tin RT dẫn lời ông Stoltenberg nói.
Theo ông Stolttenberg, cuộc thảo luận về việc Ukraine gia nhập NATO sẽ diễn ra khi cuộc xung đột hiện tại được giải quyết.
RT cho hay, NATO từ lâu đã khẳng định rằng tất cả các quốc gia thành viên tương lai sẽ phải giải quyết những tranh chấp quốc tế, tranh chấp lãnh thổ hay sắc tộc còn tồn tại một cách hòa bình trước khi được gia nhập khối này.
Hà Lan trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga
Chính phủ Hà Lan hôm 18/2 cho biết, một số nhà ngoại giao Nga sẽ phải rời khỏi nước này vì Moscow đã có hành vi “tuồn gián điệp vào một số tổ chức như Tòa án Hình sự Quốc tế”.
“Bất chấp nhiều nỗ lực của Hà Lan để tìm ra giải pháp, Nga tiếp tục đưa các sĩ quan tình báo vào đất nước chúng tôi với vỏ bọc là nhân viên ngoại giao. Chúng tôi sẽ và không thể cho phép điều đó xảy ra”, hãng thông tấn Al Jazeera dẫn lời Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra nói.
Dù vậy theo ông Hoekstra, việc mở các đại sứ quán giữa hai bên “vẫn rất quan trọng, bất chấp các mối quan hệ với Moscow đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày đã ra thông cáo phản đối quyết định trên của chính quyền Hà Lan, đồng thời tuyên bố sẽ đưa ra những biện pháp đáp trả.