Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa các cường quốc thế giới với Tehran, sau khi Washington thời cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, đã bị đình trệ hồi tháng 9. Lãnh đạo cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại về thông báo gần đây của Iran rằng nước này đang tăng cường năng lực làm giàu uranium.

Ngoại trưởng Ảrập Xêút, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud. Ảnh: Reuters

Trong một cuộc phỏng vấn trên sân khấu tại Hội nghị Chính sách thế giới ở Abu Dhabi hôm 11/12, Ngoại trưởng Ảrập Xêút, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud nhấn mạnh: "Nếu Iran có một vũ khí hạt nhân hoạt động được, tất cả các thỏa thuận đạt được trước kia đều không được áp dụng nữa... Bạn có thể dự đoán rằng, các quốc gia trong khu vực chắc chắn sẽ hướng tới cách họ có thể đảm bảo an ninh của chính mình”.

Quá trình đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ trong bối cảnh các cường quốc phương Tây cáo buộc Tehran đưa ra những yêu cầu vô lý và chuyển hướng chú ý sang cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như tình trạng bất ổn ở quốc gia Hồi giáo vì cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi trong tay lực lượng cảnh sát đạo đức.

Mặc dù Riyadh vẫn hoài nghi về thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng Hoàng tử Faisal cho biết, họ ủng hộ các nỗ lực khôi phục hiệp ước "với điều kiện đó là điểm khởi đầu chứ không phải điểm kết thúc" cho một thỏa thuận mạnh mẽ hơn với Tehran.

Các quốc gia Ảrập vùng Vịnh do người Hồi giáo Sunni thống trị đã thúc đẩy một thỏa thuận mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết những lo ngại của họ về chương trình tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran, đất nước nằm dưới sự quản lý của người Hồi giáo Shi'ite.

Trong khi đó, Iran quả quyết công nghệ hạt nhân của nước này chỉ phục vụ các mục đích dân sự. Giới chức Tehran cũng bác bỏ cáo buộc của phương Tây về việc cung cấp cho Nga các UAV để tấn công mục tiêu ở Ukraine.