Những vụ án được phanh phui cho thấy hoạt động tín dụng đen len lỏi khắp nơi, có vụ lên tới hàng nghìn bị hại. Tiếp đó là hoạt động mua bán tín dụng đen, thực hiện đòi nợ thuê với đủ kiểu khủng bố như cắt ghép hình ảnh của người thân để đưa lên mạng xã hội vu vạ, đe dọa, hành xử giang hồ... Những đường dây tín dụng đen "khủng" bị bóc gỡ, triệt phá đã lộ ra các chiêu thức hoạt động tinh vi, manh động...
Nỗ lực triệt phá các ổ nhóm tín dụng đen
Trong phần trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2022, khi đề cập nội dung liên quan đến tín dụng đen, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhìn nhận, tín dụng đen trong thời gian qua tồn tại, len lỏi vào đời sống bởi nhu cầu tín dụng trong nhân dân rất lớn.
Việc xử lý tội phạm liên quan tín dụng đen gặp khó khăn do các đối tượng có những chiêu thức, thủ đoạn để đối phó, lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự, nếu không thận trọng, không thể hình sự hóa quan hệ dân sự, nếu không làm tốt sẽ bỏ lọt tội phạm.
Nói về các giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cục nghiệp vụ, công an các tỉnh thành thực hiện đồng bộ các giải pháp, cương quyết tấn công, trấn áp, xử lý mạnh tay đối với tội phạm tín dụng đen.
Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen, để người dân biết, hiểu, từ đó dần bài trừ.
Ngoài ra, Bộ Công an đang phối hợp chặt chẽ cùng ngành ngân hàng để đẩy mạnh các giải pháp giúp người dân dễ dàng tiếp cận, vay vốn từ các tổ chức tín dụng của Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh về việc xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh xử lý đối với tín dụng đen, để đơn vị, địa phương khác xử lý.
Cách đây không lâu, phát biểu tại hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn" do Bộ Công an phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các đơn vị khác tổ chức, Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, dự báo tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Do đó, Cục Cảnh sát hình sự tham mưu lãnh đạo các cấp chỉ đạo công an các địa phương siết chặt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, phối hợp với các đơn vị có liên quan để kịp thời phát hiện, bắt giữ các băng nhóm tín dụng đen.
"Đặc biệt, sau khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết số 1/2021 về hướng dẫn áp dụng điều 201 của Bộ luật Hình sự về việc xét xử án hình sự cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đây là văn bản pháp lý rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý vững chắc để xử lý các hành vi cho vay lãi nặng", Trung tướng Trần Ngọc Hà nói.
Thời gian qua, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, công an các tỉnh thành đã thể hiện quyết tâm bài trừ tín dụng đen bằng hành động cụ thể, khi liên tục triệt phá những ổ nhóm, đường dây tín dụng đen hoạt động bằng nhiều mô hình, từ truyền thống đến hoạt động trên không gian mạng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP.HCM đã triệt phá hàng loạt ổ nhóm tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, cầm đồ… với quy mô cho vay hàng nghìn tỷ đồng; “xóa sổ” hàng chục app cho vay tiền.
Tại cấp cơ sở, lực lượng công an phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền đồng bộ nhằm bài trừ tín dụng đen. Những hoạt động "hụi"/"họ" được công an địa phương nắm bắt kỹ.
Khi phát hiện hoạt động dán tờ rơi quảng cáo cho vay, công an sẽ xử lý, bắt buộc đối tượng thực hiện phải tẩy xóa ngay tại khu dân cư để nâng cao tính tuyên truyền.
Ngoài ra, với các tiệm cầm đồ, nơi cư trú của những đối tượng nghi vấn hoạt động tín dụng đen thì công an khu vực lập tức kiểm tra, gọi hỏi răn đe và xử lý dứt điểm.
Giải pháp lâu dài nhằm đẩy lùi tín dụng đen
Một trong những giải pháp mà Bộ Công an đang triển khai mang tính chất lâu dài để dần giảm thiểu và đi đến bài trừ tín dụng đen là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay.
Đây là thuật toán mà Bộ Công an cơ bản đã hoàn thiện, dựa trên các trường thông tin dân cư, dữ liệu về căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú và các trường hợp khác trong cơ sở dữ liệu dân cư về quốc gia.
Tại hội thảo mới đây do Bộ Công an tổ chức, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá cao giải pháp này và cho rằng, đây là một công cụ sẽ phát huy hiệu quả, quản trị rủi ro. Dựa vào đó, các ngân hàng có cơ sở để đánh giá xác định đối tượng cho vay. Người dân được tiếp cận nhanh nguồn vốn chính thống, lãi suất phù hợp, sẽ dần giảm thiểu tội phạm liên quan đến tín dụng đen.
Trong một nghiên cứu, Tiến sĩ Bùi Diệu Anh (Đại học Ngân hàng TP.HCM) đã đưa ra giải pháp để đẩy lùi tín dụng đen trong đời sống.
Đó là thực hiện chiến lược phổ cập tài chính quốc gia. Giáo dục kiến thức về tài chính cho dân chúng, từ chỗ biết đến hiểu, tiến tới thay đổi hành vi. Nếu người dân có hiểu biết tài chính họ sẽ ý thức được những rủi ro phải đối mặt khi tham gia vào các hình thức tín dụng phi chính thức, trên cơ sở đó biết lựa chọn sản phẩm dịch vụ thích hợp, bảo vệ quyền lợi cho bản thân và gia đình.
Chiến lược phổ cập tài chính quốc gia phải do Chính phủ khởi xướng, nhưng để đi vào thực tế, đòi hỏi phải có sự tham gia phối hợp đồng bộ của nhiều chủ thể như chính quyền, tổ chức đoàn thể, xã hội… tại địa phương thông qua nhiều cách thức đa dạng.
Người dân sẽ có kiến thức tài chính như thiết lập ngân sách cá nhân/gia đình, quản lý dòng tiền vào/ra, cách lập và chi tiêu theo kế hoạch... Các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần tuyên truyền, phân tích lợi/hại để người dân có ý thức tự bảo vệ, không tham gia vào các hình thức tín dụng phi chính thức tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trên thực tế, ngày 24/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 766/CĐ-TTg nhằm chỉ rõ nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen.
Đây là một trong những động thái thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong bài trừ loại hình tín dụng phi pháp này.