Nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng công nghệ chip quan trọng là trọng tâm thảo luận khi các nhà lãnh đạo và giám đốc điều hành doanh nghiệp thế giới tập trung tại Nhật Bản trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7.

Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển (G7) tại Hiroshima từ ngày 19/5. 

Yếu tố đảm bảo an ninh kinh tế

Cũng trong ngày 18/5, Thủ tướng Fumio Kishida đã kêu gọi các lãnh đạo của bảy doanh nghiệp bán dẫn chủ chốt đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và châu Âu, tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp chip của Nhật Bản.

Vương quốc Anh không phải là cường quốc sản xuất chip, song là nơi đặt trụ sở chính của ARM - công ty thiết kế chip hàng đầu hiện nay. Ngoài ra, nước này cũng là “nhà” của những công ty phát triển bán dẫn tổng hợp hoặc chip chế tạo từ vật liệu ngoài silicon, được cho là giúp tiết kiệm năng lượng hơn.

Ngày 18/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có buổi thảo luận với lãnh đạo 7 doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu trước thềm Hội nghị G7

London đặt ra chiến lược bán dẫn với mục tiêu chính nhằm giảm phụ thuộc vào bán dẫn nhập khẩu từ các khu vực địa chính trị nhạy cảm, chẳng hạn như Đài Loan.

An ninh kinh tế là ưu tiên hàng đầu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 khi Mỹ và đồng minh đang cố gắng duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ trong cuộc chạy đua với Trung Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sử dụng thị trường rộng lớn để thu hút đầu tư nước ngoài và đã có được các công nghệ tiên tiến từ những công ty phương Tây trong nỗ lực trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu vào năm 2049 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Washington lập luận rằng phương Tây cần duy trì vị thế dẫn đầu để bảo vệ trật tự quốc tế hiện tại.

Cốt lõi của cuộc chạy đua công nghệ bao gồm trí tuệ nhân tạo và bán dẫn chính là “chất kích hoạt” chính của lĩnh vực này. Phần lớn hoạt động sản xuất chip của thế giới diễn ra ở Đài Loan và Hàn Quốc, khiến phương Tây trở nên dễ tổn thương từ những cú sốc địa chính trị.

Tokyo nỗ lực lấy lại vị thế trong ngành bán dẫn

Micron Technology cho hay công ty sẽ đầu tư 500 tỷ Yên (3,6 tỷ USD) vào Nhật Bản trong vài năm tới. Các cuộc đàm phán sáp nhập cũng đang diễn ra giữa Kioxia và Western Digital - thương hiệu sản xuất bộ nhớ flash hàng đầu.

Trong khi đó, Samsung Electronics của Hàn Quốc đang xây dựng một cơ sở sản xuất tại Yokohama, động thái mở ra cơ hội hợp tác giữa ngành công nghiệp chip của hai nước sau những cải thiện gần đây về quan hệ chính trị giữa hai bên.

Cuộc họp tại Tokyo ngày 18/5 cho thấy, chỉ báo Mỹ sẽ ưu tiên đưa dây chuyền sản xuất sang các quốc gia “thân thiện” hơn là việc tập trung tất cả về nội địa. Ngoài ra, nước này cũng sẵn sàng hợp tác với các đồng minh để đối phó với những thách thức đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã tiết lộ kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào Kumamoto để sản xuất chip logic.

Cuộc họp trước thềm Hội nghị G7 tại văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo quy tụ các lãnh đạo công ty bán dẫn hàng đầu, gồm Mark Liu (TSMC), Pat Gelsinger (Intel), Sanjay Mehrotra (Micron Technologies), cùng giám đốc điều hành của Samsung Electronics, IBM, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng vật liệu IMEC của Bỉ.

Thủ tướng Kishida phát đi tín hiệu chính phủ sẽ hỗ trợ bền vững cho lĩnh vực thông qua các khoản trợ cấp để thu hút sự đầu tư nhiều hơn nữa của các công ty nước ngoài.

Nhật Bản từng là quốc gia chiếm đến 50% sản lượng bán dẫn thế giới, trước khi bị Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan, hay thậm chí Trung Quốc vượt mặt. Năm 2021, Tokyo đề ra chiến lược bán dẫn và kỹ thuật số, đồng thời thông qua khoản ngân sách 2 ngàn tỷ Yên (14,7 tỷ USD) dành cho nỗ lực phục hồi.

Nguồn cung bán dẫn ổn định là yếu tố quan trọng với an ninh kinh tế Nhật Bản. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh số bán hàng bán dẫn và các sản phẩm liên quan ở trong nước, lên 15 ngàn tỷ Yên vào năm 2030.

(Theo NikkeiAsia)