-Trong số gần 200 email phản hồi bạn đọc gửi về Báo VietNamNet, có tới 100 email đề nghị ‘tẩy chay’ các sản phẩm của Coca-Cola, thể hiện bức xúc sau khi đọc bài:10 năm không đóng thuế, Coca-Cola phát triển gì cho VN? 

TIN BÀI KHÁC:

Coca- Cola đang lợi dụng, lách luật trốn thuế?

Nguyen Van Hung, email hungnv@gmail.com thể hiện sự bất bình: Coca-Cola sử dụng tài nguyên thiên nhiên của nước ta, nhân lực của nước ta, lợi nhuận thu được họ đẩy ra nước ngoài. Suốt 10 năm ở Việt Nam mà không đóng thuế năm nào là không chấp nhận được.

Thái độ dứt khoát của Phạm Hùng, email lang_khach.jmail@yahoo.com: Đã đến lúc người Việt hiện đại phải làm quen với văn hóa ‘tẩy chay’, không thể làm ngơ trước những ‘trò bẩn’ này.

Email baomy_2002@yahoo.com.vn đề xuất: Hãy từ chối nhận quảng cáo cho Coca- Cola (không liên quan gì đến các luật lệ về kinh tế), không tiếp nhận các sự kiện làm từ thiện hay ủng hộ của Coca- Cola (vì bao giờ cũng sẽ đi kèm quảng cáo ), chưa nói đến kêu gọi tẩy chay uống coca-cola. Nếu làm thế trong vòng 1-2 năm, có mà Coca- Cola ‘lạy như tế sao’ ngay! Nói tóm lại phải xử nghiêm, không có đặc quyền hay bất kỳ sự ưu ái, vị nể và cũng để làm gương cho các đơn vị khác. Tuyệt đối tránh đánh trống bỏ dùi trong chuyện này!

Phụ họa của Nguyễn Ngọc Khánh Linh, email khanhlinh0102@yahoo.com: Đối với những doanh nghiệp kiểu này, cần mạnh tay xử lý. Coca- Cola đang lợi dụng để lách luật trốn thuế. Mỗi người dân đều có nghĩa vụ nộp thuế mà cả một doanh nghiệp lớn vốn nước ngoài lại không nộp, đó là hành vi làm nghèo đất nước, cần xử lý nghiêm.

Ảnh minh họa
Đề xuất khác của bạn Trinh, email tungtrq@yahoo.com: Khi một doanh nghiệp không đóng thuế thì người dân phải đóng thuế nhiều hơn cho ngân sách quốc gia. Vì vậy về khía cạnh công dân nên hạn chế tiến tới tẩy chay hàng hóa hay dịch vụ từ các doanh nghiệp không đóng thuế (chứ chưa cần nói tới trốn thuế vì trốn thuế là phạm luật cần đưa ra tòa án). Chứng minh trốn thuế rất khó, nhưng chứng minh không đóng thuế rất dễ! Nhiều nước họ đã vinh danh cá nhân đóng nhiều thuế thu nhập, công bố công ty đóng nhiều thuế lợi tức, sao ta không làm?

Một cách ứng xử cụ thể qua email lethe.1349@gmail.com: Mình ở Đà Nẵng, vừa qua TP mình cũng đã bác bỏ đề nghị xin cấp quỹ đất để mở rộng đầu tư tại Đà Nẵng của Coca-Cola vì lí do là sau bao năm hoạt động mà doanh nghiệp này vẫn ‘thua lỗ’ triền miên thì không lí do gì để có thể cấp thêm quỹ đất để mở rộng kinh doanh được.

Email tungleduan@yahoo.com tổng hợp về những gì Coca-Cola mang lại cho người Việt Nam: 1. Bệnh béo phì cho trẻ em vì uống coca quá nhiều. 2. Bệnh tiểu đường cho người lớn tuổi. 3. Mới đây, Trung tâm Khoa học vì Quyền lợi Công chúng Mỹ (CSPI) đưa ra cảnh báo: Chất tạo màu (chất gây ung thư) trong thành phần nước giải khát Coca-Cola và Pepsi ở California (Mỹ) đều chứa nồng độ cao (4-MIE), nên cần phải cấm. CSPI khẳng định, lượng 4-MIE trong sản phẩm của Coca-Cola và Pepsi đã làm 15.000 người Mỹ bị ung thư và hàng triệu người khác đối diện nguy cơ này.

Liên tưởng của Trương Công Duyệt, email truongcongduyet@yahoo.com.vn: Cách đây mấy năm, nhà máy của công ty Vedan đóng tại Long Thành, Đồng Nai xả nước thải làm ô nhiễm sông Thị Vải, Cảnh sát môi trường bắt quả tang nhưng họ cãi chày, cãi cối, lần lữa không chịu bồi thường. Đến khi mọi người kêu gọi ‘tẩy chay’ sản phẩm của Vedan tại thị trường Việt Nam thì công ty này mới chịu bồi thường. Rõ ràng khi người tiêu dùng lên tiếng thì hiệu quả rất cao. Tôi nghĩ đối với những công ty, những sản phẩm không có lợi cho cộng đồng, không đóng góp cho đất nước chúng ta mà chỉ lo thu lợi cho mình, thì người tiêu dùng Việt Nam cần có thái độ rõ ràng, là ‘tẩy chay’ như vừa rồi dân Anh tẩy chay cà phê Starbuck .

Cần thanh tra, làm rõ những khoản ‘lỗ’ của doanh nghiệp FDI?

Khánh Linh, email vancongkhanhlinh@gmail.com cho rằng: Chuyện này thực ra chính quyền đã biết lâu rồi nhưng giờ mới đưa vụ việc ra ánh sáng. Chính vì vậy, để tăng cường công tác quản lý, đề nghị cơ quan quản lý thuế cần nhanh chóng làm rõ và xem vụ này như là vụ điển hình, từ đó có những chính sách thích hợp nhằm quản lý các công ty nước ngoài, không riêng gì Coca-Cola tại Việt Nam.

Email tuidayne@yahoo.com.vn đặt câu hỏi: Cần coi lại cách quản lý của các cơ quan của nước ta, nhất là cơ quan thuế, liệu có ‘ăn chia’ không? Lỗ 3 năm liên tục là phải thanh tra rồi, ở đây 10 năm mà không biết được nguyên nhân, bây giờ lại nói là... chuyển giá?

Nhìn nhận của Võ Văn Minh, email Vanminhacb@gmail.com: Trò ‘chuyển giá’ này đã có từ lâu, thiết nghĩ cơ quan thuế nhà nước phải sớm phát hiện, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc. Cần một bài học đích đáng cho công ty Coca-Cola và những công ty quốc tế khác có ý định gian dối trong kinh doanh!

Cảnh báo của Hoàng Trung, email trunghom@gmail.com: Trách Coca-Cola thì cũng phải xem lại cách làm việc của các cán bộ thuế, có yếu kém không, hay đã ‘bán rẻ linh hồn’ cho các doanh nghiệp FDI? Tôi được biết, các doanh nghiệp thường thuê hẳn cán bộ thuế kiểm tra và tư vấn hồ sơ thuế của doanh nghiệp để họ ‘lách thuế’ được nhiều nhất.

Tán đồng của Toan Bá, email toannbhn@gmail.com: Vụ này không có sự tiếp tay để tư lợi của cán bộ thuế, hải quan... thì Coca-Cola và các hãng khác muốn làm bậy cũng không được. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng cần hoàn thiện hơn nữa, các nhà làm luật phải có trình độ giỏi và có tâm huyết với đất nước và có tầm nhìn xa.

Góc nhìn đa chiều, bình tĩnh hơn của email nguyenngoc1112@gmail.com: Sự có mặt của họ cũng tạo ra công ăn, việc làm cho nhiều người, ngân sách nhà nước không phải chăm lo cho bộ phận lao động này, ngân sách có thêm phần thu từ thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (phần này có thể nói là tương đối lớn khi xét trên doanh số bán của họ). Ngoài ra, có thể là khoản đóng góp tự nguyện cho ngân sách địa phương, quỹ khuyến học, chăm sóc sức khỏe v.v… Cuối cùng, tôi không đứng về bên nào trong cuộc tranh cãi giữa cơ quan thuế Việt Nam và Coca-Cola, có công thì nên được thưởng, có tội nên bị xử phạt. Hy vọng cơ quan thuế Việt Nam có đủ khả năng chứng minh sai phạm (nếu có) cũng như có đủ bản lĩnh để xử phạt Coca-Cola.

Lê Hùng Cường, email cuonghp82@gmail.com đề nghị: Bộ Tài chính, Cục thuế nhà nước, và các cơ quan có thẩm quyền hãy thanh tra làm rõ những khoản báo lỗ của các doanh nghiệp có vốn FDI như báo chí đã nêu vừa qua. Không thể để họ vào Việt Nam chiếm đất kinh doanh, chiếm đất sản xuất, rồi tung hoành ‘làm xiếc’ trước cả một hệ thống quản lý nhà nước. Phải làm nghiêm để tạo sự công bằng trong môi trường kinh doanh cho mọi đối tượng.

Ban Bạn đọc