Pháo hoa là hình ảnh đẹp song cũng là thú chơi xa xỉ với ‘con nhà nghèo’. Hãy để nó trở về đúng nghĩa một món ăn tinh thần được người dân chờ đợi mỗi dịp lễ hội. Đừng cố biến nó thành cơm bữa hàng ngày, cho dù bữa cơm đó là do người khác trả tiền!
LTS: Kế hoạch dự kiến sẽ tổ chức bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân của Hà Nội mới đây hiện đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Khương Duy để bạn đọc trao đổi.
Không khí Tết nhất cận kề thì những chuyện ăn gì, chơi gì trong đợt nghỉ dài sắp tới đã bắt đầu được bàn thảo nơi cơ quan, công sở. Như để hưởng ứng không khí đó, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội mới đây đã đưa một đề xuất khiến không ít người bất ngờ, đó là sẽ cho bắn pháo hoa thường xuyên ở khu vực cầu Nhật Tân.
Nói tại cuộc giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội tuần qua, GĐ Sở VH-TT-DL Tô Văn Động cho hay, ý tưởng bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân xuất phát từ nhu cầu quảng bá của doanh nghiệp và nhu cầu thưởng thức pháo hoa của dân Thủ đô. Còn vị trí bắn chỗ nào (quanh cầu) vẫn đang được lấy ý kiến.
Xã hội hóa như một mỹ từ?
Đề xuất "bắn pháo hoa thường xuyên" đã vấp phải băn khoăn của dư luận, không chỉ về chuyện an toàn mà còn là kinh phí. Theo dự kiến, tiền chi cho sự kiện này không phải trích từ ngân sách mà do xã hội hóa. Để phục vụ nhu cầu toàn dân chứ không chỉ dành riêng cho người giàu. Theo một lãnh đạo ngành văn hóa, “biết đâu những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa” để có thể quên đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống". Còn nếu cứ giữ tư duy cho việc bắn pháo hoa thường xuyên là sự lãng phí thì đất nước không thể phát triển. [1]
Lập luận nghe ra là "nhà nước sẽ không tốn đồng tiền nào", nhưng dường như vẫn có gì đó không ổn.
Xã hội hóa lâu nay luôn được dùng như một mỹ từ khi người ta muốn giải thích nguồn gốc của những khoản kinh phí đến từ đâu đó, miễn không phải túi ngân sách.
Bắn pháo hoa chào mừng năm mới Dương lịch ở TPHCM. Ảnh minh họa: Tuấn Kiệt |
Không biết từ bao giờ cụm từ xã hội hóa được ưa chuộng đến thế. Mục đích của nó vốn dĩ tốt, nhưng đôi khi nó trở thành một cách đánh tráo khái niệm, đổ trách nhiệm vốn của nhà nước lên người dân một cách mập mờ để che giấu những khoản chi công bất hợp pháp. Và cũng là một cách để DN khéo léo bôi trơn cơ quan công quyền thông qua những khoản đóng góp mang danh nghĩa tốt đẹp.
Vậy nếu bắn pháo hoa thường xuyên thì có bao nhiêu DN hồ hởi tự nguyện góp sức với số tiền lên đến cả tỉ đồng.
Đây là giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, làm ăn chật vật, DN phải trang trải cho hàng trăm khoản chi, liệu có bao nhiêu DN dư thừa chi tiền cho những màn trình diễn ánh sáng hằng đêm? Và nếu có thì liệu bao nhiêu trong số các DN đó là vô tư, với mục đích đơn thuần quảng bá hình ảnh?
Được xướng tên hay ghi nhận vì bỏ ra số tiền lớn cho vài phút bắn pháo hoa liệu có giúp ích bao nhiêu cho họ? Doanh nghiệp hoạt động vì lợi ích vì thế không nên ảo tưởng họ sẽ bỏ ra nhiều tiền vì những hoạt động không mấy hiệu quả, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân.
Sự hấp dẫn đến từ đâu?
Một khi đó không phải là tiền của khối doanh nghiệp tư nhân, sẽ rất dễ hiểu nếu chủ yếu các doanh nghiệp tham gia lại là các công ty nhà nước vốn được bao cấp về nhiều mặt, chỉ lo tìm cách tiêu tiền cho hợp lý hoặc các tập đoàn lớn cần thiết lập mối quan hệ với chính quyền. Những mối quan hệ mờ mịt sẽ đẩy câu chuyện "xã hội hóa" đó về đâu?
Còn về phía người dân, nếu được hỏi có thích xem pháo hoa không thì bất kể người giàu hay nghèo, ai cũng sẽ trả lời như nhau. Song câu hỏi đó không có bao nhiêu ý nghĩa bởi nhu cầu là vô cùng mà nguồn lực thì có hạn. Thích xem pháo hoa nhưng người ta còn cần nhiều thứ khác hơn thế nữa.
Quên đi cái khó cái nghèo xét đến cùng chỉ là thái độ AQ, là một phút tự lừa dối mình. Khi những ánh sáng, âm thanh vụt tắt thì cái nghèo khó vẫn bủa vây con người, những đường phố tắc nghẽn nối dài cùng khói bụi. Người ta cần thoát ra khỏi cái nghèo khó thực sự chứ không phải chỉ đơn thuần tạm quên nó như người say.
Người viết lại càng không tin nhờ bắn pháo hoa mà Hà Nội sẽ trở thành nơi du lịch hấp dẫn hơn như có ai đó nói. Sự hấp dẫn đến từ nhiều yếu tố, chẳng hạn cơ sở hạ tầng, cảnh quan, lịch sử, văn hóa, thiết chế xã hội... Nếu dùng tiền xã hội hóa để làm những việc đó phải chăng sẽ có ích cho du lịch hơn là đốt chúng trên bãi giữa sông Hồng?
Tất nhiên niềm vui bao giờ cũng nên có nhưng có lẽ chỉ nên đúng dịp. Ông cha ta xưa thường nói: Làm như ngày mùa để đâu cho hết, ăn như ngày Tết lấy gì mà ăn.
Pháo hoa là hình ảnh đẹp song cũng là thú chơi xa xỉ với ‘con nhà nghèo’. Hãy để nó trở về đúng nghĩa một món ăn tinh thần được người dân chờ đợi mỗi dịp lễ hội. Đừng cố biến nó thành cơm bữa hàng ngày, cho dù bữa cơm đó là do người khác trả tiền!
Khương Duy
[1]: http://www.baogiaothong.vn/ban-phao-hoa-thuong-xuyen-dau-phai-chi-phuc-vu-nguoi-giau-d94877.html