Trên toàn TP Hà Nội hiện có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào.

Trong khoảng hơn 925.000 nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp trên địa bàn thành phố có nhiều đặc điểm, tính chất tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra đối với những căn nhà này có khả năng cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.

Thực tế thời gian qua sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân), lực lượng chức năng đã rà soát nhà ống trong các khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh được người dân che chắn hết lối đi, cửa thoát hiểm duy nhất thường là cửa chính đã bắt lửa, chặn lối thoát. Đặc biệt, hầu hết các cửa sổ đều được hàn kín thành các ‘chuồng cọp’.

cong vien dong da 1 1259.jpg
Nhiều nhà ống trong các ngõ hẹp của TP Hà Nội được rào chắn kín không an toàn PCCC.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, với kiểu thiết kế trên gây rất nhiều khó khăn cho việc dập lửa, cứu hộ và cứu nạn, người ở trong nhà cũng rất khó thoát ra ngoài khi có cháy. Hậu quả thường khiến các nạn nhân tử vong do ngạt khói và khí độc…

Vụ cháy nhà khiến 4 người chết, 1 người bị thương ở phường Quang Trung (quận Hà Đông) vào sáng nay 13/5 cho thấy mức độ nguy hiểm của những ngôi nhà ‘không lối thoát’. Ngôi nhà bị cháy được hàn khung sắt, bịt kín phía trước giống như ‘chuồng cọp’ để chống trộm. Quá trình chữa cháy, lực lượng chức năng phải dùng thiết bị để cắt ban công hàn kín sắt trên tầng 2 để cứu hỏa.

Tương tự, vụ hỏa hoạn vào rạng sáng 21/4/2022 tại căn nhà có 2 tầng, 1 tum ở ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) đã khiến 5 người tử vong thương tâm cũng có nguyên nhân từ việc ngôi nhà bị rào chắn theo hướng lo ‘chống trộm hơn chống cháy’.

Theo Thiếu tá Nguyễn Danh Luân - cán bộ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), khi xây dựng hoặc cải tạo ngôi nhà, cần bố trí các lối thoát nạn phụ như lối ở ban công để di chuyển sang nhà hàng xóm, trên sân thượng, trên tum hoặc trổ cửa lên mái, trần để tạo những lối thoát nạn phụ.

Đối với việc phòng cháy thì trang bị hệ thống dây dẫn thiết bị điện phải vượt mức chịu tải của tổng các thiết bị tiêu thụ điện trong nhà. Các thiết bị như bếp gas, bếp từ, hồng ngoại... thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị hư hỏng.

Không tàng trữ các chất dễ cháy trong nhà như xăng dầu. Khi đun nấu hoặc sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện phải có người trông coi giám sát. Việc thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã cần đúng nơi quy định. Khi đi ngủ, ra khỏi phòng phải tắt nến, để vàng mã cách xa khu vực nến, hương đang cháy.

Ngoài ra, theo Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, các thành viên mỗi gia đình nên trang bị kiến thức kỹ năng về an toàn PCCC và thoát nạn như tham gia các lớp tuyên truyền, huấn luyện do địa phương hoặc cơ quan tổ chức, tìm hiểu kiến thức trên các mạng xã hội, các ứng dụng, trang Web. Có phương án thoát nạn đối với ngôi nhà và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình.

Ngoài ra, khi nhà hàng xóm bị cháy, cần nhanh chóng hô hoán báo động nhà xung quanh sử dụng các phương tiện chữa cháy được trang bị của nhà mình hoặc của các căn hộ xung quanh để phối hợp dập lửa. Đồng thời nếu phát hiện có người mắc kẹt thì nhanh chóng sử dụng các vật dụng như chăn nhúng nước để tiếp cận cứu người bị nạn.