CTCP Hàng không Vietjet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với kết quả khá tích cực. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 181 tỷ đồng, nâng lũy kế 6 tháng đầu năm lên gần 426 tỷ đồng.

Doanh thu hợp nhất quý II/2022 của VietJet đạt gần 11,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế đạt hơn 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh gấp vài lần so với cùng kỳ năm trước và đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 thời kỳ trước đại dịch Covid-19.

Kết quả kinh doanh quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2022 của VietJet là khá ấn tượng và nó phản ánh sự hồi phục về nhu cầu đi lại tăng cao sau đại dịch. 

Theo VietJet, doanh nghiệp đã tăng tần suất khai thác trên nhiều chặng bay thực hiện 52,5 nghìn chuyến bay và vận chuyển 9 triệu lượt hành khách trong nửa đầu năm 2022, tăng tương ứng gấp rưỡi và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng đã cao hơn so với giai đoạn trước dịch 2019.

Vietjet ghi nhận sự hồi phục mạnh không chỉ nhờ sự phục hồi ấn tượng của thị trường hàng không trong nước mà còn nhờ sự phát triển các đường bay quốc tế mới, trong đó có đường bay tới Ấn Độ và một số đường bay tới Hàn Quốc và Nhật Bản,... Hãng cũng đưa vào khai thác đội tàu bay thân rộng A330 hiện đại.

Ngành hàng không gặp khó do đại dịch Covid-19.

Hồi cuối tháng 7, Vietjet và Boeing ký giao 200 tàu bay trong chiến lược toàn cầu của Vietjet. Hai bên sẽ áp dụng lịch giao hàng linh hoạt, phù hợp với kế hoạch kinh doanh của Vietjet trong bối cảnh ngành hàng không thế giới phục hồi sau đại dịch. 

Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 vừa được Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) công bố - hãng tiếp tục thua lỗ gần 2.600 tỷ đồng dù doanh thu tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Đây là quý lỗ thứ 10 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Mặc dù ngành hàng không đón những tín hiệu hồi phục, đặc biệt là thị trường nội địa hội phục mạnh mẽ vượt cả trước khi có dịch, nhưng khó khăn vẫn bủa vây các doanh nghiệp. Giá giá nhiên liệu tăng mạnh và neo ở mức cao, trong khi các đường quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn.

Đó là nguyên nhân khiến Vietnam Airlines ghi nhận tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Chưa kể, lãi suất có xu hướng tăng cũng ảnh hưởng, khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên.

Mặc dù vậy, mức thua lỗ của Vietnam Airlines không còn nặng nề như khoản lợi nhuận âm hơn 4.500 tỷ đồng trong quý 2/2021. Tính trong 6 tháng đầu năm, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam lỗ hơn 5.250 tỷ đồng, ít hơn gần 3.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, giá dầu thế giới vẫn ở mức cao, khiến chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không lớn. Trong 6 tháng đầu năm, nhiên liệu bay tăng khiến Vietnam Airlines phát sinh thêm hàng nghìn tỷ đồng chi phí.

Tới giữa năm 2022, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lũy kế gần 29 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm hơn 4.900 tỷ đồng.

Vietnam Airlines (HVN) hồi tháng 5 hoàn tất thoái 35% cổ phần tại Cambodia Angkor Air thu về 35 triệu USD.

Với Vietravel (VTR), theo BCTC quý 2/2022, vẫn lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng dù tình hình kinh doanh đã được cải thiện. Doanh thu của tập đoàn đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, nhờ sự hồi phục của du lịch , đặc biệt là du lịch nội địa. Khấu trừ chi phí, VTR ghi nhận lợi nhuận gộp 132 tỷ đồng so với mức lỗ đến 95 tỷ đồng so với quý 2 năm ngoái. 

Tuy nhiên, hãng hàng không Vietravel Airlines thì vẫn thua lỗ. Vietravel đang đầu tư 571 tỷ đồng vào Vietravel Airlines, phần lỗ tương ứng sở hữu tăng từ 192,5 tỷ hồi đầu năm lên 309,9 tỷ đồng vào 30/6. Điều này tương đương việc hãng bay này đã lỗ 261 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Riêng Bamboo Airways chưa công bố kết quả kinh doanh. Trong năm 2021, hãng bay này ghi nhận lỗ hơn 2.200 tỷ đồng do tác động của đại dịch. Trong các năm trước, Bamboo Airways lãi khoảng 240-300 tỷ đồng/năm. Theo ước tính của FLC (cổ đông lớn của Bamboo Airways), hãng lỗ khoảng 2.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.

Hầu hết các hãng hàng không đều ghi nhận tình trạng sức khỏe tài chính kém đi trong 2 năm qua.

Với Vietnam Airlines, thị trường quốc tế vốn mang lại phần lớn doanh thu trong hãng nhưng chưa hồi phục hoàn toàn, mới chỉ đạt khoảng 12% so với trước đại dịch do các rào cản nhập cảnh khiến nhu cầu đi lại bị hạn chế đáng kể. Vietnam Airlines đã nối lại 35 đường bay quốc tế, bằng hơn 50% so với trước đại dịch.

M. Hà

Sếp lớn hãng hàng không, công ty chứng khoán bất ngờ từ bỏ ghế nóng quyền lựcBiến động ghế lãnh đạo của Bamboo Airways, Louis Capital, Chứng khoán Tiên Phong là tiêu điểm tuần qua.