- Loãng xương (osteoporosis), là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích, là hậu quả của việc suy giảm các khung protein và lượng canxi gắn với các khung này.
Loãng xương là hậu quả của sự phá vỡ cân bằng bình thường của hai quá trình tạo xương và hủy xương, quá trình tạo xương suy giảm trong khi quá trình hủy xương bình thường.
Theo thống kế, có tới 1/2 số phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ bị gãy xương cột sống, xương đùi hoặc xương cổ tay do loãng xương. Tỷ lệ người bị loãng xương ngày càng tăng và trẻ hóa, có không ít trường hợp bệnh nhân trên 30 tuổi đã bắt đầu có dấu hiệu loãng xương.
Nguyên nhân của hiện tượng loãng xương
Các nguyên nhân chính của bệnh loãng xương bao gồm lão hóa dẫn đến sự sụt giảm estrogen ở phụ nữ mãn kinh và suy giảm testosterone (hormone nam) ở nam giới.
Vấn đề tuổi tác: Người già ít hoạt động ngoài trời, thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D; chức năng dạ dày, đường ruột, gan, thận và tạo xương suy yếu; xương bị thoái hóa. Người cao tuổi bị loãng xương là do hấp thụ canxi kém và biến dưỡng trong xương cũng bị kém đi.
Hoóc môn sinh dục nữ giảm: Phụ nữ sau khi mãn kinh thì hoóc môn sinh dục nữ giảm làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển canxi từ xương vào máu. Sự thiếu hụt nội tiết tố estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh, dẫn đến chức năng điều hòa hấp thụ canxi vào xương bị suy giảm.
Hoóc môn cận giáp: Canxi trong thức ăn không đủ để duy trì nồng độ canxi cần thiết trong máu, khi đó hoóc môn cận giáp được tiết ra để điều canxi trong xương bổ sung cho máu nhằm duy trì sự ổn định nồng độ canxi trong máu. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ làm cho kết cấu xương bị thưa loãng.
Thiếu các chất dinh dưỡng chứa canxi, phospho, magne, albumin dạng keo, acid amin, và các nguyên tố vi lượng thiếu cũng góp phần gây loãng xương.
Hệ miễn dịch bị suy giảm khiến bệnh loãng xương xảy ra.
Canxi mất đi quá nhiều do bệnh thận, các bệnh về nội tiết; hậu quả của việc dùng thuốc corticoid kéo dài.
Loãng xương thường có 2 loại, sau mãn kinh là loãng xương týp I, tuổi già là loãng xương týp II.
Yếu tố di truyền là nguyên nhân gây loãng xương, không hay ít hoạt động thân thể, người tạng gầy, người không sinh đẻ, người tắt kinh sớm, người châu Á, người da trắng.
Bệnh loãng xương thường xuất hiện ở người cao tuổi và một số ít người trẻ từ 40 tuổi. Tuy nhiên, bệnh loãng xương vẫn có thể xuất hiện ở trẻ em mà người lớn cần đề phòng cho con mình.
Những trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, thể chất yếu, chế độ ăn thiếu canxi hoặc tỷ lệ canxi, phospho, magie trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D,... sẽ làm bộ xương không đạt được khối lượng khoáng chất đỉnh ở tuổi trưởng thành. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng loãng xương hoặc các bệnh lý liên quan đến xương khớp sau này.
Ít hoạt động thể lực cũng như ít hoạt động ngoài trời sẽ ảnh hưởng tới việc hấp thu canxi. Những trẻ hiếu động, tinh nghịch thường có nguy cơ loãng xương hoặc mắc các bệnh về xương khớp ít hơn.
Thái Thị Hậu