Độ bền bỉ cao

MiG-29 được thiết kế theo một nguyên tắc cơ bản của ngành công nghiệp Liên Xô trước đây: phải có độ tin cậy cao, bền bỉ trước những điều kiện khắc nghiệt, khả năng bảo dưỡng dễ dàng để có thể hoạt động với cường độ cao.

Theo nguyên tắc này, số giờ bảo dưỡng trên mỗi giờ bay của MiG-29 là 11,3 giờ; thông số tương ứng của máy bay F-16 là 18 giờ và F/A-18 Hornet là 16-18 giờ. Như vậy, yêu cầu thời gian bảo trì của MiG-29 chỉ bằng khoảng 60% so với đối thủ thiết kế.

Thời gian trung bình giữa các lần xảy ra trục trặc trên không và trên mặt đất của MiG-29 là 13,6 giờ; của F-16 là 2,9 giờ và của F/A-18 Hornet là 3,7 giờ. Như vậy, tỷ lệ gặp trục trặc của MiG-29 thấp hơn khoảng 3 lần so với đối thủ.

MiG-29. Ảnh: Military Today 

Theo thống kê, sau gần 40 năm phục vụ trên khắp thế giới, đã có 126 chiếc MiG-29 bị rơi do tai nạn. So với khoảng 1.600 chiếc MiG-29 được chế tạo thì tỷ lệ này là 7,9%, khá thấp so với tỷ lệ 14,4% của máy bay F-16 và 12% so với F/A-18 Hornet. Tỷ lệ này cũng cho thấy độ bền bỉ, sự “dễ tính” khi bảo dưỡng của MiG-29 so với những đối thủ từ phương Tây. Chưa kể, MiG-29 còn có khả năng bay từ các đường băng chuẩn bị kém. 

Nhìn chung, các chuyên gia và phi công phương Tây rất ấn tượng về những khả năng không thể chối cãi và sự cơ động khác thường của MiG-29. Một phi công Israel, sau khi bay thử nghiệm trên MiG-29 đã phát biểu: "Năng lực của chiếc MiG ngang bằng, thậm chí đôi khi vượt xa cả F-15 và F-16 của Mỹ. 

Nó có khả năng cơ động cao, động cơ của nó cho tỷ lệ trọng lượng/lực đẩy cao hơn. Các phi công của chúng tôi phải hết sức cẩn trọng với mẫu máy bay này trong không chiến. Khi được điều khiển bởi một phi công chuyên nghiệp, nó sẽ trở thành đối thủ đáng gờm".

Từng suýt bắn hạ “pháo đài bay” B-52

Được phát triển vào thập niên 1970 bởi Phòng thiết kế Mikoyan, MiG-29 bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1983 và tiếp tục được sử dụng bởi không quân Nga, cũng như nhiều lực lượng khác trên thế giới. Đến nay, khoảng 1.600 chiếc MiG-29 đã được sản xuất, 900 trong số đó để xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Riêng Ukraine hiện sở hữu 217 chiếc MiG-29, được trang bị cho các lữ đoàn không quân tiêm kích số 9, 40, 114, 204.

Tại Ấn Độ, khách hàng lớn nhất của loại máy bay này, MiG-29 đã nhiều lần áp đảo các tiêm kích F-16 của Pakistan. Năm 1996, một chiếc MiG-29UB của không quân Cuba đã bắn hạ 2 chiếc máy bay Cessna-337của tổ chức lưu vong “Những người anh em cứu nguy” khi những chiếc máy bay này xâm nhập không phận Cuba.

Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, ngày 22/1/1991, một chiếc MiG-29 của không quân Iraq do phi công Jameel Sayhood điều khiển đã bắn rơi 1 máy bay Tornado của Anh. Trước đó, ngày 17/1/1991, phi công Khudair Hijab phóng tên lửa R-60 lắp trên MiG-29 trúng một máy bay F-111 của Mỹ, nhưng nó không rơi tại chỗ mà chỉ hư hại nặng và quay về được sân bay. 

Ngay sau đó, chiếc MiG-29 này tiếp tục bắn trúng 1 máy bay ném bom B-52 bằng tên lửa tầm trung R-27, chiếc B-52 này bị hư hại nặng nhưng cũng không rơi. Sau này, Khudair tỏ ra tiếc vì đã quá "tiết kiệm" nên chỉ phóng 1 tên lửa vào mỗi mục tiêu, nên cả 2 máy bay Mỹ đều hư hại nặng chứ không rơi. 

Nguyên Phong