Việc Biển Đông không là chủ đề của APEC 2015 lần này đã chuyển sự chú ý của giới quan sát sang những cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị và những động thái của nước chủ nhà Philipines. Nổi bật nhất là các hoạt động  quân sự và chiến lược giữa Manila với các đồng minh và đối tác an ninh trong và ngoài khu vực. 

Từ "mối đe dọa Trung Quốc" tới "thách thức Trung Quốc"
Trung Quốc bày ma trận lôi kéo học giả quốc tế
Ứng phó với ma trận thông tin của Trung Quốc

Căn cứ tiền phương

Tổng thống Mỹ Barrack Obama đến Manila chính thức tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Song song với đó, Tổng thống Mỹ sẽ có buổi trao đổi với người đồng cấp là Tổng thống Benigno Aquino về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Tương tác an ninh chiến lược giữa Mania và Washington trở nên sống động hơn kể từ năm ngoái 2014 khi hai bên ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) có hiệu lực trong vòng 10 năm. Hiệp định này được đánh giá có ý nghĩa chiến lược lẫn về các phối hợp quân sự, lẫn về khả năng Mỹ hiện diện tại Philipienes qua căn cứ tại tại Vịnh Subic. Hiệp định cũng cho phép Mỹ một lần nữa triển khai binh lính, máy bay và tàu chiến tại các vịnh của Philippiens.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong bữa tối của các nhà lãnh đạo APEC tại Manila hôm 18/11. Ảnh: AP/Bloomberg.

Cụ thể hơn, EDCA cho phép các lực lượng Mỹ có thể sử dụng cơ sở vật chất sẵn có của quân đội Philippines, và các chỉ huy của Philippines được quyền tiếp cận một cách tối đa các cơ sở này. Tương tự, các cơ sở hạ tầng mà quân đội Mỹ xây dựng trong các khu căn cứ quân sự được quy định bởi EDCA sẽ có thể được quân đội Philippines sử dụng. Mọi hoạt động xây dựng cũng như các hoạt động khác sẽ phải tham vấn Philippines thông qua Uỷ ban Quốc phòng chung (MDB) và Uỷ ban Tiếp xúc an ninh (SEB).

Thông qua EDCA, Mỹ có hai lợi ích mang tính bước ngoặt với Philippines. Thứ nhất, các căn cứ quân sự, kể cả Subic, sẽ trở thành các căn cứ tiền phương – các cơ sở quân sự mở rộng với sự hiện diện hạn chế của lính Mỹ. Thứ hai, các căn cứ này có thể trở thành các địa điểm hợp tác an ninh – các cơ sở không có hoặc có ít sự hiện diện của Mỹ và được điều hành bởi nước đặt căn cứ. Như vậy, đây là cách tiếp cận ít tốn kém hơn, khó nhận diện và ít gây tổn thương hơn khi xung đột xảy ra.

Nếu thuận lợi, hiệp định sẽ giúp nước Mỹ có khả năng kiểm soát một căn cứ chỉ cách các đạo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng có 500 hải lý. Hiện tại, các tàu chiến của Mỹ phải dựa vào các căn cứ ở Nhật hay Guam cách xa 1,500 dặm, để sửa chữa cũng như thực hiện các công tác tiếp liệu.

EDCA:  Hòn đá tảng được dỡ bỏ

Lúc đầu, EDCA bị Toà án Tối cao Philippines xem xét lại dựa trên thỉnh nguyện thư phán đối của một số thượng nghị sĩ. Tuy vậy, món quà đến với chính phủ khi  Tòa án Tối cao nước này ra quyết định đồng thuận về tính hợp hiến của EDCA trước thềm APEC. Một hòn đá tảng được gỡ bỏ, mở đường cho những trao đổi quốc phòng sâu rộng hơn giữa hai bên.  

Người dân và giới chức Philippines cho rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương cũng như giúp chống lại sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc tại vùng biển Tây. 

Các hành vi của Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền vô lý của nước này trên Biển Đông tạo sức ép cho Manila. Gần đây nhất lễ duyệt binh mang ý nghĩa “răn đe chiến lược” tại thủ đô Bắc Kinh đã cho thấy cán cân quân sự khu vực tiếp tục thay đổi nhanh theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc. Đầu 2015, hành vi đảo hóa các thực thể địa lý tại Trường Sa càng thúc đẩy Philippines có những bước đi hợp tác mạnh mẽ hơn với Mỹ.

Bên lề hội nghị APEC, Nhật Bản và Philippines sẽ ký một hiệp định làm cơ sở để hai nước thảo luận về quy mô và các hình thức viện trợ quân sự. Một số nguồn tin cho rằng Nhật có thể cung cấp ba máy bay huấn luyện Beechcraft TC-90 King đang được quân đội Nhật sử dụng, cũng như máy bay tuần thám biển P-3C cho Philippines.

Hiệp định Đối tác Chiến lược Việt Nam-Philipines cũng là một dấu ấn tại APEC 2015 lần này. Dù không mang ý nghĩa đồng minh quân sự, nhưng nỗ lực xây dựng mối quan hệ giữa hai bên trong các năm gần đây cho thấy sự chia sẽ các lợi ích chiến lược, lẫn hình thành tầm nhìn chung về các vấn đề an ninh khu vực. Trong đó hợp tác an ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông là một ưu tiên quan trọng, lẫn trong lời nói, văn bản, lẫn hành động giữa các bên. 

Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.