Cách hành xử bất tuân luật pháp của TQ sẽ đẩy tranh chấp Biển Đông ngày càng xa khỏi một con đường giải quyết hòa bình.

Bản tuyên bố chung Mỹ - Nhật - Úc về Biển Đông được đưa ra sau cuộc họp tay ba, bên lề các hội nghị ASEAN tại Lào vừa qua, bị ngoại trưởng TQ chỉ trích kịch liệt. Phía ngoại giao TQ cho rằng cho rằng bản tuyên bố trên chỉ có tác dụng “thổi bùng ngọn lửa” gây căng thẳng trong khu vực.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã phủ định hoàn toàn phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS. Cách hành xử này được các nhà phân tích đánh giá qua nhiều lăng kính khác nhau, theo đó trong ngắn hạn, nó sẽ đảm bảo những lợi ích trước mắt của TQ, nhưng về lâu dài, thiệt hại của nó sẽ tác động tới cả khu vực và cả TQ.

Đẩy xa giải pháp hòa bình

Thứ nhất, cách hành xử bất tuân luật pháp của TQ sẽ đẩy tranh chấp Biển Đông ngày càng xa khỏi một con đường giải quyết hòa bình. Cụ thể là sự phủ nhận của TQ sẽ dẫn đến sự suy giảm vai trò trọng tài và hòa giải của bên thứ ba – tức là các tòa án quốc tế. Như vậy, một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế đã không còn là một lựa chọn khả dĩ.

{keywords}

Hai tàu sân bay của Mỹ, John C. Stennis (trái) và Ronald Reagan ngày 18/6 trên vùng biển Philippines. Ảnh: US Navy

Theo góc nhìn này, bất cứ ai còn kỳ vọng vào một Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông COC “mang tính ràng buộc” nên suy nghĩ lại. Lẽ nào một quốc gia đã ngang nhiên phủ nhận phán quyết từ Tòa trọng tài của một Công ước quốc tế với 168 thành viên lại chấp nhận chịu ràng buộc bởi một Bộ Quy tắc chỉ được ký giữa 11 nước?

Bên cạnh đó, việc đàm phán và giải quyết song phương, như TQ đề xuất, đang rơi vào bế tắc khi các bên đã không thể đồng thuận với nhau, ít nhất là suốt từ khi DOC được đưa ra vào 2002 cho tới nay. Thậm chí sự bế tắc trong giải pháp song phương cũng liên quan đến vấn đề Scarborough do TQ chiếm đóng bất hợp pháp từ 2012, và là nguyên nhân dẫn đến việc Philippines đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.

Trong khi đó, các biện pháp đa phương hóa và kêu gọi hỗ trợ quốc tế theo quan điểm của ASEAN lại không được TQ chấp thuận.

Như vậy, nếu không thể thúc đẩy TQ tuân thủ phán quyết, việc giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình dựa trên luật pháp sẽ là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi không một phương án khả dĩ nào có thể được đưa ra mà nhận được sự đồng thuận từ các bên liên quan.

Nghiêm trọng hơn, sự suy yếu tương đối của các thể chế pháp lý và những chuẩn tắc chung đồng nghĩa xu hướng sức mạnh và các hành động cân bằng quyền lực sẽ gia tăng. Việc đề cao sức mạnh sẽ dẫn đến thế “lưỡng nan về an ninh” cho các quốc gia khi luôn phải đối đầu với sự bất an từ phía các nước tranh chấp, buộc các nước phải lựa chọn chính sách chạy đua vũ trang hoặc liên minh quân sự.

Trong vài năm vừa qua, Đông Nam Á đã chứng kiến sự tăng tốc của chạy đua vũ trang. Indonesia đặt mua tới 20 tàu frigate từ Hà Lan; Philippines dự kiến tăng chi quân sự lên gần gấp đôi trong 5 năm tới (273 triệu lên 500 triệu), đồng thời mua hai tàu chiến trị giá 300 triệu USD từ Ấn Độ, và hàng loạt vũ khí hiện đại khác từ Mỹ như tàu tuần duyên, máy bay tuần tra, do thám, máy bay chiến đấu và các vũ khí hạng nặng. Có thể thực lực của từng nước riêng lẻ trên Biển Đông không thể làm TQ lo ngại, nhưng cùng lúc đối đầu với tất cả các nước láng giềng trên biển không thể xem là một chiến lược khôn ngoan.

“Dọn đường” cho Mỹ?

Thứ hai, việc TQ bác bỏ phán quyết của Tòa đã tạo ra cơ sở pháp lý hoàn hảo và tính chính danh cho việc tăng cường liên minh quân sự Mỹ - Philippines và dọn đường cho Mỹ can thiệp vào khu vực thông qua 5 căn cứ quân sự mà Philippines cung cấp. Các hành động leo thang căng thẳng xa hơn của TQ cũng có thể sẽ khiến các nước liên quan đến tranh chấp điều chỉnh cách tiếp cận chính sách không liên minh, đồng thời ủng hộ sáng kiến nâng cao năng lực do thám và phòng thủ hàng hải tại Biển Đông của Mỹ.

Như vậy, sự bác bỏ phán quyết của TQ có thể kích hoạt một chuỗi phản ứng nguy hiểm. Nó đẩy khu vực Biển Đông vào cái bẫy Thucydides khi Mỹ, siêu cường của hệ thống hiện tại sẽ làm mọi cách để kiềm chế cường quốc đang lên, TQ. Nhưng Mỹ sẽ không đứng một mình, mà các cường quốc có tranh chấp với TQ như Nhật Bản và Ấn Độ, chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội để làm suy yếu đối thủ của mình.

Khi Tòa trọng tài chuẩn bị đưa phán quyết, Mỹ đã điều hai cụm tàu sân bay tới vùng biển Philippines. Đây được xem là một cảnh báo từ nước này. Các cường quốc khác trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia cũng đã bày tỏ quan điểm và yêu cầu các bên tôn trọng phán quyết của PCA và UNCLOS.

Sự gia tăng hiện đại hóa quân sự và mật độ tàu thuyền, máy bay của các bên sẽ khiến rủi ro va chạm tăng lên, khiến Biển Đông khó có thể duy trì và hòa bình một cách ổn định. Điều này không hề mang lại lợi ích cho TQ, khi phần lớn nguyên liệu và nhiên liệu của nước này nhập khẩu qua Biển Đông.

90% lượng dầu khí nhập khẩu của TQ đi qua Biển Đông. Nếu xung đột kéo dài, tàu dầu phải đi vòng, giá năng lượng ở TQ có thể tăng đến 30%. Do đó, trong trường hợp chiến tranh xảy ra ở Biển Đông thì TQ sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn Mỹ và Nhật Bản.

Một trật tự được xây dựng bằng luật nên được xem là ưu tiên của Bắc Kinh. Theo đánh giá của GS. Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) còn quá sớm để đưa ra một đánh giá xác đáng liệu Tòa trọng tài xét xử vụ kiện giữa Philippines và TQ có phải hình mẫu tốt cho các quốc gia khác noi theo. Tuy nhiên, phán quyết gợi ra một số tuyên bố tổng quan xúc tích từ các quốc gia trong khu vực kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trần Thắng