Có vẻ như người Việt rất thích hợp và dễ có khả năng thành công trong môi trường minh bạch có sự cạnh tranh và ganh đua cao – nơi họ nhận được đúng những gì mà công sức đã bỏ ra cùng nền tảng quản trị công bằng.
- Xem bài 1: Người Việt tinh ý đường gần, mù mờ đường xa
- Xem bài 2: Vì đâu nhiều thứ ở VN... đi ngược thế giới
Dễ 'biến đổi' theo hoàn cảnh
Việc rất nhiều người có xu hướng chỉ quan tâm để thành công trong phạm vi một cộng đồng nhỏ nên khi đã có cái gì đó rồi thì phần đông sẽ tự hài lòng và không phấn đấu nữa. Phải chăng tâm lý này đã phần nào chi phối các chủ DN Việt khi họ quyết định bán doanh nghiệp của mình cho nước ngoài sau bao năm vất vả gây dựng tên tuổi. Với những người làm công ăn lương thì kiểu gì cuối tháng tôi cũng lĩnh lương với một số tiền đã biết và nó chắc chắn là của tôi rồi nên không việc gì phải vội, phải gấp gáp làm việc cho mệt đầu, mệt sức…
Cũng thật lạ, đó là vẫn những con người này, nhưng nếu có cơ hội ra nước ngoài là họ trở nên siêng năng, cần cù và đạt hiệu suất rất cao - có thể chứng thực bởi nhiều cộng đồng Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài với hơn 10 tỷ USD kiều hối mỗi năm qua các kênh tài chính chính thức.
Có vẻ như người Việt rất thích hợp và dễ có khả năng thành công tốt hơn trong môi trường minh bạch có sự cạnh tranh và ganh đua cao – nơi họ nhận được đúng những gì mà công sức đã bỏ ra cùng nền tảng quản trị công bằng. Câu hỏi ở đây là (i) “Cần làm gì để môi trường trong nước có thể khuyến khích hay sử dụng đúng thế mạnh của người dân”? (ii) “Làm thế nào để người Việt khoan thai hơn khi đi lại và đạt hiệu suất cao hơn trong công việc”, và (iii) “Liệu chúng ta có thể tự tin bơi ra biển lớn”?
Để giấc mơ Việt vươn được ra biển lớn, cần có những đổi mới. |
Trước hết, trên khía cạnh giáo dục. Cần thừa nhận rằng tính ganh đua cao sẽ hạn chế ít nhiều khả năng làm việc nhóm. Do vậy, việc này cần được giải quyết bởi các can thiệp thông qua giáo dục ngay từ ghế nhà trường. Trên thực tế thì dường như ngược lại.
Trong mấy chục năm qua, mô hình “trường chuyên, lớp chọn” đã tạo nên rất nhiều thế hệ “gà nòi” để các huyện, các tỉnh và cả ở cấp quốc gia mang đi thi đấu với mục tiêu ganh đua thành tích. Chuyện này sẽ rất tốt nếu sau khi có thành tích những học sinh được cho là xuất sắc đó được tiếp tục bồi dưỡng để tạo nên một “đội ngũ” trí thức có trình độ cao và cùng nhau làm việc vì mục tiêu chung thay vì để cho từng cá nhân tự mò mẫm tìm lấy con đường của riêng mình ở các phương trời khác nhau và chưa bao giờ phát huy được hết tiềm năng cho đất nước.
Bệnh thành tích của nền giáo dục nước nhà còn góp phần tạo nên một môi trường giáo dục vốn chỉ cốt học được nhiều kiến thức để đi thi cho thật tốt chứ không hề chú trọng đến việc rèn luyện thể chất, kỹ năng sống cho học sinh, mặc dù chúng ta đều nhận thấy tầm quan trọng của các kỹ năng bị cho là thứ yếu này trong cuộc sống và công việc.
Sự thiếu hụt các kỹ năng “mềm” đã phần nào khiến người Việt khó hòa nhập khi đi ra bên ngoài. Nên mới có chuyện nếu làm một mình thì người Việt là những cá nhân xuất sắc, nhưng khi là một tập thể, chúng ta lại không thể tổng hợp được sức mạnh của tất cả mọi người…
Tính phản vệ cao với cái mới
Để tất cả mọi người có thể làm việc và phát huy khả năng của mình, cần nhìn thẳng vào vấn đề với tinh thần cầu thị và trách nhiệm. Tư duy nhiệm kỳ cùng căn bệnh thành tích cần được loại bỏ. Dân chúng sẽ nhớ tới và biết ơn một ai đó vì đã định hướng, nuôi dưỡng và đào tạo những đội ngũ trí thức và lực lượng lao động có kỹ năng tốt cùng môi trường thế chế tiến bộ để nâng tầm và vị thế quốc gia chứ không phải vì các chỉ tiêu mỗi năm cần bao nhiều giải quốc tế, cho ra lò bao nhiêu TS nhưng lại không biết làm thế nào để sử dụng họ hiệu quả.
Bên cạnh những hạn chế, cạnh tranh và ganh đua chính là động lực phát triển. Chúng ta đang rất cần một nền tảng thể chế minh bạch để mỗi cá nhân cạnh tranh và khẳng định mình trong tương quan với cả cộng đồng cùng vai trò điều phối hợp lý của nhà nước vì mục tiêu phát triển. Hãy tạo cơ hội cho mọi người ganh đua nhằm tìm ra chân lý chứ không phải để phủ định nhau.
Hiệu suất lao động sẽ rất khó cải thiện chừng nào vẫn còn tình trạng việc ít, người nhiều trong các cơ quan công quyền. Khi “trách nhiệm giải trình” vẫn còn là một thuật ngữ trừu tượng với nhiều người và nhất là đội ngũ cán bộ thì mọi việc sẽ vẫn chỉ dừng lại ở mức cầm chừng.
Về mặt vĩ mô, rất cần những thay đổi về mặt chính sách để có được một môi trường xã hội nơi tạo ra các cơ hội việc làm bình đẳng và công khai cho mọi người – Nơi ai cũng có thể “ganh đua” để chứng tỏ mình, để phát huy tối đa trí tuệ và khả năng của mình (một khi được tuyển dụng) để phục vụ cho mục tiêu chung đồng thời được đãi ngộ xứng đáng trên nền tảng Nhà nước pháp quyền.
Thay đổi một đặc tính văn hóa không phải là việc dễ và có thể làm được ngay. Tính phản vệ cao với cái mới - nhất là các yếu tố ngoại lai và chậm thay đổi của văn hóa Việt về mặt nào đó đã giúp chúng ta đứng vững trước sức ép đồng hóa của những nền văn hóa được xem là mạnh hơn trong cả ngàn năm qua.
Tuy nhiên bối cảnh ngày hôm nay đã khác xa, và với dân số hơn 90 triệu, Việt Nam không thể sống một mình cũng như tự ru ngủ với một lịch sử oai hùng cùng một gia tài khiêm tốn. Dễ hài lòng với những thành công nhỏ và bó mình trong những giấc mơ con trên những chiếc giường hẹp đang cản bước tiến của chúng ta. Hãy khoan thai đi lại trên những con phố, nhưng cần phải vội hơn nhiều lần nữa để có thể lái con tàu Việt Nam hướng ra biển lớn.
Với vai trò quản trị của mình, Nhà nước cần quyết liệt và mạnh tay giải quyết những vấn đề đang được xem là “quốc nạn” như tham nhũng và chạy chức chạy quyền – nhằm lấy lại niềm tin của dân chúng, trước khi có các chính sách nhằm huy động sức mạnh tiềm ẩn của toàn dân. Hãy để cho những người nước ngoài đến Việt Nam không chỉ vì cảnh quan tươi đẹp mà còn để hiện thực hóa giấc mơ của họ.