Ở cách thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp ấy, lương tâm và liêm sỉ đứng ở đâu, khi mà luồng gió kim tiền mạnh hơn cả cơn lốc ngày 13/6 mới đây?
Lương tâm ở đâu?
Cần phải đặt câu hỏi này một cách thẳng thắn.
Bởi đến hôm nay, người dân Hà Nội vẫn còn chưa hết nỗi ám ảnh cơn giông lớn chiều 13/6 mới đây. Hơn 1300 cây xanh đổ, 02 người tử vong, hàng chục người bị thương. Cả thành phố hệt như vừa trải qua một trận bão tố kinh hoàng. Nhưng trận cây đổ ngả nghiêng chưa qua đi, trên các trang mạng XH, người ta đã tranh cãi nhau rất gay gắt một hiện tượng lạ bất ngờ bị giông lốc… lật lên, cho dù con người đã vùi kín.
Đó là vụ việc các cây non trồng mới cách đây không lâu bị giông lốc lật tung, trơ ra tất cả, thói làm ăn tùy tiện, vô trách nhiệm, trơ ra lương tâm của tâm lý làm thuê cẩu thả.
Những cây non “bị lộ” hóa ra vẫn còn nguyên các túi ni lông, lưới ni lông bó chặt cả bầu đất và chùm rễ cây. Và thế là một trận tranh cãi nảy lửa của những người vốn xót lòng vì cây xanh HN lại tiếp tục nổ ra. Giông lốc của thiên nhiên vừa tạnh, giông lốc của lòng người đã… nổi lên, xin mượn ý ca từ Cơn bão nghiêng đêm của Thanh Tùng: Cơn lốc qua rồi, cơn lốc lòng dân thổi mãi.
Mà cơn lốc lòng dân không thổi mãi sao được, khi một bên biện hộ cho những túi ni lông, những tấm lưới bọc chặt bầu đất và rễ đó là… kỹ thuật mới, công nghệ mới (?) Còn một bên thì hoài nghi, đó là cách làm ăn thiếu lương tâm và trách nhiệm.
Chả lẽ, thiếu lương tâm và trách nhiệm bây giờ không nên coi là sự hoài nghi nữa, mà phải coi như một thứ niềm tin… cay đắng?
Cái niềm tin cay đắng này, rút cục nhanh chóng được khẳng định, bởi các nhà chuyên môn về cây trồng.
Trả lời các thắc mắc của phóng viên, ông Nguyễn Khánh Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Lâm nghiệp TW khá gay gắt khi cho rằng, việc trồng cây mà để nguyên vỏ bầu bằng chất liệu không tự phân hủy như vậy là phản khoa học. Chất liệu túi nilon không những không tự phân hủy mà còn mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy được. Hầu hết các cây mới trồng đều là rễ non nên tỉ lệ đâm xuyên qua vỏ bọc bầu đất là rất thấp. Hơn nữa, rễ cọc khi gặp vật cản sẽ bị uốn cong và vô tình tác dụng của nó trở thành rễ ngang. Nếu như vậy thì cây rất dễ bị ngã đổ mỗi khi gió to (Soha.vn, ngày 15/6).
Ý kiến của ông Lại Thanh Hải – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm sinh cũng tương đồng: Về mặt kỹ thuật, việc không bóc lưới bọc bầu ra là hoàn toàn sai nguyên tắc. Lưới sẽ làm cho bộ rễ không phát triển, rễ không có độ ăn rộng, ăn sâu vào đất, khiến cây sinh trưởng kém. Theo kinh nghiệm thực tế của cá nhân, nhựa tự hủy là cực hiếm trên thị trường, để tìm mua được là rất khó.”(Đất Việt, ngày 15/6).
Mới đây, báo Lao động, ngày 16/6, đưa một tin đọc mà giật mình: Hàng trăm cây bóng mát trên tuyến đường 6.600 tỷ- Quốc lộ 05 kéo dài, chết hàng loạt dù mới trồng. Có mối liên quan nào giữa hiện tượng vừa bị phát hiện với hiện tượng hàng trăm cây non chết hàng loạt không? Đây là câu hỏi của người viết bài, cũng là của dư luận XH mang … niềm tin cay đắng rất cần ngành chức năng trả lời, làm sáng tỏ.
Cây xoài đường kính hơn 20 cm, cao hơn chục mét trên đường Nguyễn Xiển trong khuôn viên khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ bị đổ, trơ bầu gốc. Ảnh: Bá Đô/ VnExpress |
Và đây nữa, sự tắc trách kỳ lạ: Công ty cây xanh Hà Nội gắn biển lấy ý kiến người dân đối với hàng chục cây ở Hà Nội dù chúng đã chết khô từ lâu hoặc mục ruỗng.(Zing.vn, ngày 20/3).
Đựơc biết, trước phản ứng mạnh mẽ của XH, tại buổi giao ban của HN mới đây, ngày 16/6, đại diện Sở Xây dựng cho biết Vụ việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Sở đã giao cho đơn vị liên quan kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm quy trình thì phải xử lý. Đặc biệt, những đơn vị trồng cây đều phải tuân thủ cam kết, nếu cây trồng sống thì mới được thanh toán tiền, nếu cây chết thì phải trồng bù, cho tới khi nào cây ở vị trí đó sống được.
Nhưng cái sự tùy tiện, thiếu cả trách nhiệm lẫn lương tâm kiểu này không phải lần đầu tiên. Bạn đọc và dư luận XH từng sửng sốt trước hiện tượng “bê tông cốt tre” ở các công trình xây dựng đây đó. Và cứ tưởng kiểu làm ăn xanh vỏ đỏ lòng này chỉ có ở những tỉnh xa, hóa ra ngay HN cũng có, như trong vụ mặt đường cầu Ngũ Huyện Khê (Đông Anh, Hà Nội) , mới hoạt động được gần 02 tháng, mặt đường đã bị vỡ, trơ ra lõi thép và cót ép.
Dư luận XH rất có quyền đặt câu hỏi để HN tìm giúp câu trả lời, những chủ đầu tư nào đã tham gia trồng cây gây… cơn lốc dư luận?
Vì sao mà công tác giám sát hoạt động này lại không có? Vậy thì đánh giá chất lượng và nghiệm thu trồng cây kiểu gì?
Vì đến giờ vẫn chưa thể biết được có bao nhiêu cây trong thành phố đã được làm theo tục “bó chân” như vậy mà chưa… bị lộ?
Đồng ý là HN đang trên con đường phát triển, thành tựu và cái giá của phát triển bao giờ cũng song hành. Thế nhưng HN không phải thủ đô đầu tiên trên thế giới có nền kinh tế thị trường, ngược lại mới có gần 30 năm. Đi sau nhân loại nhưng lại có lợi thế học được nhiều kinh nghiệm của các thủ đô đi trước, tránh phải trả giá trong nhiều lĩnh vực nói chung, trong quản lý đô thị và môi trường nói riêng.
Có điều càng phát triển, các thủ đô, đô thị lớn càng phải biết tận dụng, gìn giữ khoảng xanh môi trường, công viên, hồ nước. Tiếc thay, dường như HN cách quản lý còn… chưa chuyên nghiệp.
Hiếm có thủ đô nào, nói như GS Nguyễn Lân Dũng, để mất đi quá nhiều diện tích hồ nước, khiến Hà Nội thành "Hà Lội" sau những cơn mưa lớn.
Còn theo cách nhìn của giảng viên Đoàn Nam Sinh, (ĐH Nông lâm TP HCM) rằng đang vận hành theo quy trình tích nhiệt- khi mà xe cộ, máy móc, các công trình xây dựng, cầu đường nhan nhản, nhưng giải pháp về một hệ thực vật- cây xanh chưa phát triển theo kịp.
Tiếng là Thủ đô thanh lịch, mà thành phố lúc nào cũng như một công trường đang xây dựng, trong khi đó, vẫn theo GS Nguyễn Lân Dũng, về quản lý, lại xóa bỏ mô hình kiến trúc sư trưởng Thành phố.
Trong cơn giông lốc, biển quảng cáo tại ngã tư Lê Duẩn - Xã Đàn đổ xuống đường may không có người bị thương. Ảnh: Phạm Hải |
Hiếm có thủ đô nào mà tường nhà, tường ngõ người ta thản nhiên dán đầy quảng cáo, sơn quét “khoan cắt bê tông, sửa chữa điện, nước”, trăm thứ bà dằn lên bất cứ nhà nào mà họ muốn, xâm phạm ngang nhiên quyền nhà ở công dân v..v và…vv.. Cho dù, HN cũng đã có những cố gắng nhất định trong các giải pháp giao thông, xây dựng nhà ở, quy hoạch các khu chợ lớn, giảm bớt chợ tạm, chợ cóc.
Cái tục “bó chân”, “bao bọc” Thủ đô kiểu đó không biết đến bao giờ mới dỡ bỏ được?
Liêm sỉ ở đâu?
Cũng cần phải đặt câu hỏi này một cách nghiêm túc khi những ngày này, QH đề nghị bãi miễn tư cách ĐBQH của bà C.T.T.N (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất - Housing Group), bị cơ quan chức năng bắt tạm giam trước đó, ngày 7/1. Bà C.T.T.N không phải người đầu tiên là ĐBQH vi phạm pháp luật bị khởi tố.
Những đơn thư tố cáo của người dân cho thấy, dự án mà bà C.T.T.N thực hiện, mới chỉ có chủ trương để xây nhà tái định cư 13 tầng nhưng bà này đã lập thành dự án nhà thương mại 33 tầng, đã rao bán hết và số người nộp tiền (theo đơn của nhóm người bị hại) là 1.036 người, số tiền đã thu là hơn 400 tỷ. Đến phút chót, khi bị khởi tố, bà C.T.T.N đã thừa nhận mất khả năng chi trả (Tuần Việt Nam, ngày 15/6).
Đại biểu QH là người đại diện cho tiếng nói, ý nguyện của dân, và quá trình bầu cử, để từ một con người, một doanh nhân bình thường trở thành ĐBQH, được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật, là cả một chặng đường dài với những thủ tục sát sao, nên vụ việc này hẳn gây một dư chấn không nhỏ, nhất là ở giai đoạn bà này bị bắt tạm giam.
Đại biểu QH là người đại diện cho tiếng nói, ý nguyện của dân |
Khác với những trường hợp khác, bà C.T.T. N là người tự ứng cử.
Nhưng sự giống nhau “bắt buộc” của các vị ĐBQH, đó là khi đã trở thành đại diện cho ý nguyện của người dân, đòi hỏi tư cách của ĐBQH phải đàng hoàng, phải thực sự vì lợi ích của dân, chứ không phải theo kiểu cáo mượn oai hùm để làm những việc khuất tất, chỉ vì lợi ích cá nhân mình. Nhất là người đã có “gan” và bản lĩnh tự ứng cử.
Người viết không bàn tới trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc này, hẳn rồi đây sẽ được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ, mà chỉ bàn tới khái niệm liêm sỉ của con người, trong phát ngôn ấn tượng của ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trả lời báo GDVN về vụ này, ngày 17/6 mới đây: Cán bộ có liêm sỉ phải tự biết xấu hổ.
Liêm sỉ là gì? Theo cách hiểu thông dụng, liêm sỉ là liêm khiết, biết điều sỉ nhục. Trái với từ liêm sỉ, là vô liêm sỉ- có nghĩa là trơ trẽn không biết hổ thẹn là gì.
Trước đó, ông Dương Trung Quốc, trong trả lời phỏng vấn cũng của tờ báo này, ngày 22/2, đã đề cập một vấn đề có tầm vĩ mô, mà theo ông: Sự “gương mẫu” và “liêm sỉ” trong đời sống chính trị quốc gia, chính là bây giờ phải sống cho trung thực, làm trung thực, nói cho trung thực. Nhưng rồi, chính ông Dương Trung Quốc cũng bầy tỏ: Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là chúng ta phải sống trong một thế giới rất thiếu sự trung thực
Đúng vậy, nếu XH ta số đông người Việt, nhất là các quan chức có vị thế đặc quyền- đặc lợi có liêm sỉ, và sống trung thực, hẳn nước Việt sẽ không phải đứng trong top những quốc gia có tệ nạn tham nhũng cao nhất thế giới. Bởi như ông Dương Trung Quốc đã khoanh vùng rất cụ thể: Tôi cho rằng chống tham nhũng cũng như chống dịch bệnh, nếu khoanh được vùng khu trú của tham nhũng thì đã giải quyết được nửa vấn đề rồi. Vậy ai tham nhũng được? Đấy là những người có chức có quyền. Nhưng trong 04 triệu đảng viên thì chỉ một số ít có quyền lực, có chức vụ, có quyền động chạm đến ngân sách quốc gia, công sản quốc gia.
Nếu có liêm sỉ và trung thực, hẳn XH ta đã không phải vất vả chống lại căn bệnh, nói một cách văn vẻ- bệnh thành tích- mà thực chất là thói dối trá thâm căn cố đế, đầy tính sĩ diện hão.
Nếu có liêm sỉ và trung thực, một nữ doanh nhân không đến nỗi đi mượn cái áo là ĐBQH để làm một việc thiếu liêm sỉ- lừa dân. Rút cục hành trình đi đến nơi về đến chốn của bà là sau song sắt.
Nhưng để có được “Sự gương mẫu và liêm sỉ trong đời sống chính trị quốc gia”, trong từng con người, từ quan chức đến các ĐBQH, đến công chức cơ quan nhà nước cần có những điều kiện gì?
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, phải làm sao có một cơ chế, một hệ thống pháp luật, một hệ thống đạo đức, giá trị xã hội..., khiến cho người ta không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không thiết tham nhũng. Tham nhũng để làm gì nếu như người ta có một đời sống tốt đẹp về vật chất và tinh thần?
Còn người viết bài này lại rất chú ý đến một bài viết mới đây trên Tuần Việt Nam, ngày 17/6, mổ xẻ một vấn đề tưởng như xưa cũ của loài người khi các khái niệm “nhóm, cộng đồng, quốc gia” xuất hiện. Nhưng những phân tích sâu sắc của bài viết, chính là tập trung vào những hệ lụy kéo theo của cơ cấu quyền lực một khi được vun vén đến độ trở thành một gía trị áp đảo, thì diện mạo văn hóa của nó sẽ trở nên lệch lạc rõ.
Đến mức tạo nên một XH rất thiếu chuyên nghiệp ở các lĩnh vực. Mà cả ngàn năm với nền kinh tế đảm đang chỉ một đường cày, con trâu đi trước và người nông dân thì đi sau rốt.
Ở cách thức tổ chức chưa chuyên nghiệp ấy, lương tâm và liêm sỉ đứng ở đâu, khi mà luồng gió kim tiền mạnh hơn cả cơn lốc ngày 13/6 mới đây?