Hướng tới xây dựng ngành TN&MT số
Quyết định 3196 ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0 vừa được Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ký ngày 16/12/2019. Với quyết định này, Bộ TN&MT vừa là Bộ đầu tiên phê duyệt Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0.
Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT là tài liệu mô tả chi tiết các thành phần Chính phủ điện tử của Bộ TN&MT từ Trung ương đến địa phương, kết nối, liên thông với các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân, khu vực, quốc tế; thể hiện việc tham chiếu, kết nối các quy trình nghiệp vụ, ứng dụng, dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin và các thành phần khác tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ TN&MT và làm cơ sở tham chiếu cho Kiến trúc CNTT của các Sở TN&MT địa phương, Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0 sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử của ngành, hướng tới ngành TN&MT số, Chính phủ số và nền kinh tế số.
Sơ đồ tổng thể Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0 mới được ban hành. |
Mục tiêu cụ thể của Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0 mới ban hành là xác định bản quy hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT của Bộ TN&MT, trong đó có các thành phần và mối quan hệ giữa các thành phần, gắn liền ứng dụng CNTT với các hoạt động nghiệp vụ.
Định hướng và triển khai tin học hóa quy trình nghiệp vụ trong Bộ TN&MT một cách có hệ thống và thực thi chương trình cải cách thủ tục hành chính, nghiệp vụ hành chính theo hướng công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Định hình một mô hình kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu, tái cấu trúc cơ sở hạ tầng thông tin.
Cùng với đó, Kiến trúc cũng hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan, đơn vị; nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế; là cơ sở xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử tại ngành TN&MT; đồng thời làm căn cứ đề xuất và triển khai các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT của Bộ TN&MT.
2 giai đoạn triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT
Về lộ trình triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0, Bộ TN&MT nêu rõ, việc xây dựng lộ trình triển khai dựa trên kiến trúc, trên cơ sở phân tích hiện trạng, đảm bảo đáp ứng các mục tiêu, chiến lược, chính sách phát triển, ứng dụng CNTT của Bộ.
Căn cứ Nghị quyết 17, chương trình hành động của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết 17, lộ trình triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 2019 – 2020 và giai đoạn 2020 – 2025 với các mục tiêu, yêu cầu cụ thể cho từng giai đoạn đối với các nhiệm vụ xây dựng Cơ chế, chính sách; Hạ tầng, công nghệ; An toàn thông tin; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành TN&MT.
Trong đó, với giai đoạn 2019 – 2020, về cơ chế chính sách, ngành TN&MT tập trung ưu tiên việc xây dựng quy định cấu trúc các cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực chuyên ngành, cấu trúc dữ liệu dùng chung trao đổi chia sẻ giữa các lĩnh vực, các bộ, ngành, các địa phương; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, định mức, đơn giá về ứng dụng CNTT trong ngành TN&MT; xây dựng các cơ chế, quy chế duy trì vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
Về hạ tầng, công nghệ, sẽ nghiên cứu, tiếp cận các công nghệ mới, tham gia cuộc CMCN 4.0; duy trì vận hành, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các Trung tâm dữ liệu của Bộ TN&MT theo hướng tập trung hóa các hệ thống CNTT của Bộ đảm bảo đủ năng lực, tính dự phòng và phân tải; tiếp tục vận hành và khai thác có hiệu quả hạ tầng tính toán lưu trữ và các dịch vụ nền tảng của Bộ TN&MT.
Đồng thời, đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng tính toán, lưu trữ đảm bảo tính kế thừa theo định hướng nền tảng công nghệ điện toán đám mây phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong Bộ TN&MT; triển khai nền tảng trao đổi, chia sẻ tích hợp dữ liệu; nghiên cứu xây dựng Trung tâm thông tin, dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Kiến trúc Chính quyền điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0 nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Internet) |
Cũng trong giai đoạn từ nay đến 2020, với công tác đảm bảo an toàn thông tin, Bộ TN&MT tập trung hoàn thiện xác định cấp độ và đảm bảo các phương án an toàn hệ thống thông tin cho các hệ thống CNTT của Bộ; đồng thời đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin lớp mạng, lớp ứng dụng và các giải pháp xác thực, định danh.
Về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trong giai đoạn 2019 - 2020, ngành TN&MT xác định tập trung xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, các dịch vụ mang tính chất nền tảng, phục vụ xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin trong ngành; các hệ thống thông tin phục vụ hành chính nội bộ, hỗ trợ chỉ đạo điều hành; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia có tính chất nền tảng, liên ngành, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đáp ứng nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với khung tham chiếu ứng dụng CNTT TN&MT cấp tỉnh, Bộ TN&MT nêu rõ nguyên tắc phải đảm bảo phù hợp với Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0, với Kiến trúc Chính quyền điền tử cấp tỉnh; đồng thời phù hợp với định hướng, chiến lược ứng dụng CNTT của ngành TN&MT và địa phương. Lộ trình triển khai khung tham chiếu ứng dụng CNTT TN&MT cấp tỉnh phải tuân thủ lộ trình triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0, đặc biệt là các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có quy mô từ Trung ương đến địa phương; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp quốc gia có tính chất nền tảng, liên ngành.
Bộ TN&MT nhấn mạnh, xây dựng và duy trì kiến trúc là một quá trình liên tục. Do đó, sau khi Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT được phê duyệt, cần có phương án tổ chức để duy trì và vận hành. Việc này sẽ đảm bảo chất lượng của kiến trúc, khi đó kiến trúc trở thành công cụ quản lý hiệu quả trong việc tổ chức triển khai Chính phủ điện tử ngành TN&MT.