Hoạt động của tội phạm mua bán người thời gian qua tại khu vực biên giới biển, cửa khẩu vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trước thực trạng này, với vai trò là Cơ quan thường trực phòng, chống mua bán người của Bộ Quốc phòng, giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng BĐBP triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu.

Tháng 10/2022, BĐBP tỉnh Bạc Liêu triệt phá thành công chuyên án BL922, bắt 2 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người. Trong ảnh là đối tượng Bùi Thị Tuyết Nhanh (SN 2003, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, An Giang), là 1 trong 2 đối tượng bị bắt tại chuyên án. 

Triệt phá nhiều đường dây mua bán người 

Tại khu vực biên giới ấp 4, xã Mỹ Quý Tây huyện Đức Huệ, tỉnh Long An vào một chiều cuối tháng 6/2023, tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Long An) phát hiện, bắt quả tang 3 đối tượng di chuyển bằng xe ô tô chở 1 cô gái định xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia để bán kiếm lời. Ngay lập tức, tổ công tác tiến hành lập biên bản, đưa người và phương tiện về Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

Qua đấu tranh, khai thác, 3 đối tượng bị bắt khai nhận thực hiện hành vi mua bán người qua sự chỉ đạo của nhiều đối tượng, ở nhiều địa phương khác nhau. Dưới hình thức lập các tài khoản mạng xã hội để kết nối với nhau nhằm dụ dỗ, tiến hành mua đi bán lại nạn nhân tại các quán karaoke, massage với giá từ 10 đến 20 triệu đồng, sau đó tiếp tục bán nạn nhân qua Campuchia để trục lợi. 

Xét thấy vụ việc có quy mô phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng ở các địa bàn khác nhau; hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, có thể đây là đường dây, tổ chức lớn về tội phạm mua bán người. BĐBP tỉnh Long An đã xác lập chuyên án LA623, phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm miền Nam (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP), Công an tỉnh Long An và Công an các tỉnh, thành có liên quan để truy xét các đối tượng phạm tội có liên quan.

Sau gần một tháng triển khai chuyên án, lực lượng phá án đã triển khai nhiều tổ công tác tại các tỉnh thành như: Đồng Nai, Bến Tre, Bình Dương điều tra, truy xét; đã tiến hành bắt giữ, triệu tập làm việc với 10 đối tượng, triệt phá toàn bộ đường dây mua bán người trải rộng tại nhiều địa phương, giải cứu thành công 1 nạn nhân.

Hiện, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ, bàn giao vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Huệ tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 7/2023, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đã triệt phá thành công một đường dây đưa phụ nữ sang nước ngoài bán làm vợ, bắt 3 đối tượng gồm: Thào A Dơ (sinh năm 1988, dân tộc Mông, trú tại xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), Sùng A Sì (sinh năm 1973, dân tộc Mông, trú tại xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), Hoàng Thị Duyến (sinh năm 1991, dân tộc Giáy, trú tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Hiện BĐBP Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời tiến hành tổ chức điều tra theo thẩm quyền. 

Với thủ đoạn lên mạng xã hội facebook, zalo,… tìm kiếm “con mồi”, rồi tiếp cận làm quen tán tỉnh yêu đương, khi đã tạo được lòng tin với nạn nhân, đưa về nhà ra mắt và đưa đi thăm quan du lịch, các đối tượng mua bán người đã móc nối với nhau để đưa người qua biên giới bán.

Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm BĐBP, cho biết: “Tình hình tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, vùng biển và đưa ra nước ngoài diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường lợi dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat... lập ra các hội, nhóm “cho-nhận con nuôi”, “tìm dâu cho người Trung Quốc”, “việc nhẹ, lương cao”... để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân  bán ra nước ngoài.

Năm 2021, các đơn vị trong BĐBP đã phát hiện, kết luận 16 đường dây nghi vấn mua bán người từ Việt Nam ra nước ngoài; xác lập và đấu tranh thành công 10 chuyên án, bắt 26 đối tượng, giải cứu 12 nạn nhân. Năm 2022, các đơn vị trong BĐBP đã bắt giữ, xử lý 58 vụ/28 đối tượng mua bán người, giải cứu 88 nạn nhân; kịp thời ngăn chặn 520 công dân Việt Nam không xuất cảnh ra nước ngoài lao động trái phép ngay tại cửa khẩu và trên biên giới. Và trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị trong BĐBP đã bắt giữ, xử lý 30 vụ/18 đối tượng, giải cứu được 54 nạn nhân.

Riêng trong tháng cao điểm “Tháng hành động về phòng, chống mua bán người" được triển khai từ 1/7 – 30/7/2023, các đơn vị BĐBP đã đấu tranh thành công 4 chuyên án gồm: A1222p, LA623p, ĐL723p, LC723 và 1 vụ án; khởi tố 5 vụ án mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi; phát hiện, tiếp nhận, rà soát, điều tra, xử lý 15vụ/20 đối tượng, liên quan đến 58 nạn nhân và người nghi là nạn nhân…”.

Chặn tội phạm mua bán người từ biên giới

Để ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động tội phạm mua bán người, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu. 

Tình hình mua bán người qua biên giới ngày càng phức tạp, gia tăng, các đối tượng tội phạm sử dụng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng. Nếu như trước đây, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thì hiện nay các nam thanh niên bị mua bán ngày càng nhiều.

Trước thực trạng trên, các đơn vị BĐBP đã tích cực, chủ động triển khai nhiều kế hoạch cao điểm, ra quân đấu tranh với tội phạm mua bán người, từ đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Theo đó, để ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn biên giới, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP xây dựng nhiều kế hoạch, đợt cao điểm phòng, chống tội phạm mua bán người trong đó, tập trung vào hoạt động tuyên truyền nhằm ngăn chặn tối đa các hoạt động mua bán người trên các tuyến biên giới.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm mua bán người, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm BĐBP, cho biết: Thực hiện tốt vai trò Cơ quan Thường trực phòng chống mua bán người của Bộ Quốc phòng, những năm qua, các đơn vị BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh triển khai công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới. Qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương về phòng chống mua bán người, tạo thế trận phòng ngừa khép kín từ nội địa đến khu vực biên giới.

Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng đẩy mạnh. Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các mô hình phòng, chống tội phạm mua bán người như: Tổ tự quản an ninh trật tự, Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm, Tiếng kẻng vùng biên, Tiếng loa Biên phòng, Hòm thư tố giác tội phạm, Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn .v.v... 

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền cá biệt tại các phiên chợ, trường học và tuyên truyền ngay tại nơi làm thủ tục xuất nhập cảnh ở cửa khẩu. 

Ngoài ra, tổ chức các buổi truyền thông tại cộng đồng, kết hợp với khuyết khích người dân livetream, chia sẻ trực tiếp với bạn bè, người thân trên Zalo, Facebook… để buổi truyền thông được lan tỏa tới đông đảo người dân.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người cũng được các đơn vị triển khai toàn diện trên cả 3 tuyến biên giới và tuyến biển.

Năm 2022, các đơn vị trong BĐBP đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các nguy cơ về lao động bất hợp pháp, phòng chống tội phạm mua bán người được 35.809 buổi/1.002.661 lượt người tham gia; cấp phát 104.018 tờ rơi, khẩu hiệu.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị trong BĐBP tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật được 24.926 buổi/697.948 lượt người tham gia; cấp phát 22.000 tờ rơi; tuyên truyền qua “Tiếng loa Biên phòng” được hơn 1.500 giờ, kịp thời ngăn chặn 120 công dân không xuất cảnh lao động trái phép.

Nguyễn Xuân Quý, Lê Diệu Thúy