Ngày 28/12, Bộ GTVT, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, để phục vụ an toàn, hiệu quả cho vận tải hành khách, hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân, bên cạnh việc quản lý tốt hoạt động vận tải, bảo đảm an toàn giao thông thì công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ được Bộ GTVT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện thường xuyên, liên tục.
Theo đó, trong năm 2023 đã xảy ra 3 áp thấp nhiệt đới và 5 cơn bão, 16 đợt mưa tại các địa phương. Trong đó, nặng nề nhất là địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa bàn khác gây ngập lụt, sạt lở đất trên nhiều tuyến quốc lộ và tuyến đường sắt Bắc - Nam khu vực miền Trung.
Bám sát dự báo tình hình mưa bão diễn biến bất thường, ngay từ trước mùa mưa, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Cục, Sở GTVT địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị vật tư dự phòng sẵn sàng khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố; đồng thời ban hành Thông tư số 22/2023/TT-BGTVT phân cấp cho các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ chủ động khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, trong năm 2023, Bộ GTVT đã kịp thời ban hành 15 Công điện, 25 quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và nhiều văn bản liên quan khác để khắc phục hư hỏng. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng rốt ráo triển khai công tác ứng cứu.
Đơn cử như trận mưa lớn diễn ra vào sáng 18/10, tại Km 392 +100 trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua thôn Mu Rú Ta Rá xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (cách Đồn Biên phòng Hương Nguyên 700m về phía Quảng Nam) đã gây ra tình trạng sạt lở làm hàng ngàn m3 đất đá tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông.
Ngay khi nhận được tin báo từ hiện trường, Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 (Bộ GTVT) đã phối hợp với Văn phòng Quản lý đường bộ III.1 phân luồng, điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
Song song đó, Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 cũng lập tức chỉ đạo hạt quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan tiến hành điều phương tiện, nhân lực khẩn trương khắc phục sạt lở trong sáng cùng ngày. Đồng thời, Công ty CP Quản lý và xây dựng Đường bộ Thừa Thiên - Huế bố trí lực lượng khắc phục, phân luồng tại km346+700 điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông.
Cùng thời điểm này, sau nhiều ngày mưa lũ ở Miền Trung không chỉ gây sạt lở đường bộ mà tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn từ ga Núi Thành (Quảng Nam) đến ga Trị Bình (Quảng Ngãi) cũng sạt lở nghiêm trọng.
Cụ thể tình trạng sạt lở nghiêm trọng xảy ra từ 23 và rạng sáng 24/10. Trong các điểm ngập nước này, đáng chú ý là từ từ Km 895+800 đến Km 897+200 có điểm ngập trên 0,3m. Cùng với tình trạng ngập nước, tại đây cũng xuất hiện một số đoạn sạt lở khiến nền đường, vai đường bị cuốn trôi nặng, trong đó tại Km 877+ 640 với chiều dài 200m và tại Km 899+400, nặng nhất có điểm sạt lở, cuốn trôi khoảng 30m.
Do xuất hiện các điểm sạt lở kể trên, tuyến đường sắt này phải tạm dừng hoạt động, hàng trăm hành khách bị mắc kẹt tại 2 ga Tam Kỳ và Trị Bình.
Thực hiện công điện của Bộ GTVT, với tinh thần khẩn trương khắc phục sự cố do thiên gây ra, Công ty CP quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã huy động thiết bị, nhân lực khẩn trương khắc phục.
Ngay trong sáng 24/10, nhiều công nhân đã được huy động vận chuyển cát, đá để gia cố lại điểm sạt lở nền đường sắt. Đến rạng sáng 25/10, các điểm sạt lở đã cơ bản được khắc phục. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả tập thể tuyến đường sắt đã được thông tuyến trong sáng 25/10.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc đảm bảo các công trình hạ tầng giao thông được thông suốt, kịp thời trong mọi tình huống là một trong những nhiệm vụ luôn được Bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung. Nhờ sự chủ động mà trong năm vừa qua các đơn vị đều chủ động ứng phó, khắc phục với lũ lụt, thiên tai gây ảnh hưởng đến các công trình giao thông.
Không chỉ bảo vệ các công trình hạ tầng giao thông đường bộ mà trên biển các cơ quan chức năng của Bộ GTVT trong năm qua cũng tích cực phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn.
“Cụ thể, trong năm 2023, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã xử lý gần 300 vụ việc báo nạn, điều động 36 lần phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn trực tiếp tại hiện trường; cứu và hỗ trợ hơn 800 người bị nạn và 51 phương tiện”, đại diện Bộ GTVT cho biết.
Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam từ ngày 1/1/2023 đến ngày 12/12/2023, đơn vị này đã trực tiếp chỉ huy, điều hành các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm; chủ trì, tham gia, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Tổng số thông tin báo nạn thu nhận được là 270 vụ việc, trong đó: báo nạn thật: 241 vụ, chiếm 89,25%; báo nạn giả: 29 vụ, chiếm 10,75%; số lượt điều động phương tiện SAR hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển: 36 lượt điều động.
Tổng số người được cứu và hỗ trợ là 859 người (839 người Việt Nam, 20 người nước ngoài). So với cùng kỳ năm 2022, tổng số vụ việc báo nạn thật tăng 10,5%, tổng số lượt điều động tàu SAR của Trung tâm đi tìm kiếm cứu nạn trên biển giảm 21,7%.