Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh dấu sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngay những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của phong trào Thi đua ái quốc đối với nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ là: diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra cam go, ác liệt, ngày 27/3/1948, theo sáng kiến của Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phát động phong trào Thi đua ái quốc”, nhằm “làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”1. Để phong trào thi đua có kết quả, ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, đứng lên giành lại nền độc lập tự do của dân tộc, kiến thiết đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong đó, Người chỉ rõ: “Mục đích Thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm... Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua... với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”2. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người đã tạo hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ, hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thực tiễn cách mạng nước ta cho thấy, suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai hiệu quả các phong trào Thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào Thi đua yêu nước. Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia, sản xuất giỏi, chống “giặc đói”, diệt “giặc dốt”, diệt giặc ngoại xâm. Các phong trào: “Ba xung phong”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,... đã thực sự trở thành động lực và hành động cách mạng để đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc, thực dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong gần 40 năm đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được vận dụng sáng tạo, linh hoạt, với nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phong phú trên mọi lĩnh vực, ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương. Phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo khí thế sôi nổi, trở thành động lực quan trọng, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, phát huy được sức mạnh tổng hợp để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm gần đây, nhiều phong trào đã được phát động, điển hình là: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Thi đua Quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, v.v. Từ đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu với những chiến công, thành tích xuất sắc trong chiến đấu, công tác, lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học, học tập,... được phong tặng (truy tặng) danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đó là những điển hình tiên tiến tiêu biểu, những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa Thi đua yêu nước, có tác dụng nêu gương và lan tỏa sâu rộng.

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đẩy mạnh công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực, góp phần đổi mới công tác này, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nổi bật là, đã tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này. Tiểu biểu như, đã tham mưu để Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; chủ trì, hoặc phối hợp tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành 16 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2005) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2013); chủ trì nghiên cứu, xây dựng 03 thông tư và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương ban hành thông tư, quy chế, quy định về thi đua, khen thưởng. Để thể chế hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong gần 20 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, Bộ Nội vụ đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu xây dựng Dự án Luật Thi đua, khen thưởng, được Quốc hội (khóa XV) thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (ngày 15/6/2022), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, với nhiều chính sách mang tính đột phá và là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu để Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành chỉ thị phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo nghị quyết đại hội Đảng; đồng thời, tham mưu tổ chức các phong trào thi đua trên cả nước. Chủ động đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai các phong trào thi đua theo từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với đó, Bộ đã tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức đại hội thi đua các cấp và tham mưu cho Đảng, Nhà nước tổ chức thành công các kỳ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Tổng kết các phong trào thi đua và biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo3.

Công tác khen thưởng được tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng lên. Đã chỉ đạo cơ quan chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp thẩm định, trình cấp có thẩm quyền thực hiện khen thưởng thành tích kháng chiến và phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đạt kết quả tốt, đảm bảo ý nghĩa giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc4. Khen thưởng thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, khen thưởng niên hạn, quá trình cống hiến được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch; khen thưởng đột xuất đảm bảo kịp thời; khen thưởng đối ngoại đối với các tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp đối với Việt Nam,... được triển khai tích cực, chủ động, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, chúng ta cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của phong trào Thi đua yêu nước, hưởng ứng Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Bác Hồ, Bộ Nội vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng, với những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực tham mưu, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Trọng tâm là Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và Kế hoạch 05 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào Thi đua yêu nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và mỗi bộ, ngành, địa phương.

Hai là, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức các phong trào Thi đua yêu nước, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hướng các phong trào thi đua về cơ sở và được tổ chức, phát động với hình thức phong phú, đa dạng, có chỉ tiêu cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhằm giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, khâu đột phá, việc khó của cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương. Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua của cả nước, như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”,... gắn với thực hiện kỷ cương, kỷ luật công vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân. Triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ba là, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Đặc biệt là các quy định mới của Luật Thi đua, khen thưởng và các nghị định, quy định chi tiết thi hành. Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến” giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1526/QĐ-TTg, ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp, tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng và phát huy vai trò của điển hình tiên tiến, nhất là việc nêu gương, học tập trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở.

Bốn là, nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng; chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2022). Đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung thông tư, quy chế, quy định về thi đua, khen thưởng để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Năm là, tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng quy định. Triển khai giải quyết hồ sơ khen thưởng thành tích kháng chiến và tặng thưởng Huy chương “Thanh niên xung phong vẻ vang” theo quy định. Chú trọng khen thưởng các tập thể, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, v.v. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Sáu là, tiếp tục tham mưu, đề xuất đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cấp, nhằm thực hiện tốt vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Hướng dẫn, chỉ đạo tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ, biết vận động quần chúng và tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng phù hợp trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vận dụng tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những bài học kinh nghiệm về Thi đua yêu nước, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất phát động và hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo động lực to lớn, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

PHẠM THỊ THANH TRÀ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ
________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 71.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 556 - 558.

3 - Từ năm 2015 đến nay, đã giới thiệu gần 3.000 tập thể, cá nhân điển hình để các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh.

4 - Từ năm 2015 đến nay đã trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng kháng chiến cho gần 100.000 trường hợp (có hơn 40.000 trường hợp được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”).

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân