- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở khi hồ sơ người có công còn tồn đọng nhiều, có nhiều trường hợp đặc biệt, áp dụng án tại hồ sơ suốt 75 năm không được công nhận liệt sĩ.
Tại buổi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chia sẻ nhiều day dứt khi số lượng hồ sơ chính sách người có công còn tồn đọng đến hơn 28.000 trường hợp, trong đó có nhiều thương binh, liệt sĩ.
Ông chia sẻ rất buồn khi còn tình trạng giả mạo hồ sơ để trục lợi, câu chuyện làm giả gần 3.000 hồ sơ thương binh tại Bắc Ninh là một ví dụ.
“Cần phải giải quyết dứt điểm. Đồng ý với đề xuất của các thành viên tổ công tác rằng cần ban hành Nghị định để ủy quyền phân cấp cho Bộ trưởng thu hồi số tiền này. Làm minh bạch để giảm bức xúc, tạo công bằng cho xã hội”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về tình hình làm giả hồ sơ người có công, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng cho biết, tính từ đầu năm 2016 đến nay mới chỉ thu hồi được 1/6 trên tổng số 74 tỷ đồng của những đối tượng hưởng sai.
Nằm nghĩa trang suốt 75 năm
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung hứa thời gian tới sẽ tập trung giải quyết gần 3 vạn hồ sơ kê khai chưa được xác lập và công nhận.
Ông chia sẻ, bản thân cảm thấy rất day dứt khi chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng vẫn còn 200.000 liệt sĩ nằm nơi này nơi kia và 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
“Đau lòng, day dứt lắm chứ và càng để lâu càng khó tìm thấy. Vừa qua tôi rất xúc động khi đón 107 hài cốt liệt sĩ từ Lào về. Một loạt liệt sĩ trùm cờ Tổ Quốc, xót xa lắm” - ông xúc động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung |
Để thúc nhanh tiến trình, Bộ trưởng cho biết Bộ đang áp dụng quy trình 408, tập trung cho những trường hợp công nhận thương binh, liệt sĩ và đối tượng hưởng tiêu chuẩn như thương binh.
Hiện, Bộ đã làm điểm 5 tỉnh, công nhận 86 trường hợp, 75 trường hợp trong số đó là liệt sĩ thì có tới 57 chiến sĩ hy sinh từ thời chống Pháp.
“Liệt sĩ cao tuổi nhất đến nay là 127 tuổi, nằm nghĩa trang 75 năm. Nếu cứ theo án tại hồ sơ, theo đúng quy trình thuần tuý thì không bao giờ giải quyết được vì không có hồ sơ, trong khi đồng đội đã được công nhận hết rồi” - Bộ trưởng Dung trăn trở.
Theo đó, Bộ đã phải vận dụng quy trình cá biệt, cho mời tất cả các lão thành cách mạng của tỉnh đó đến họp, hỏi lại thời kỳ hoạt động của đồng chí kia. Khi đó tất cả đều ngã ngửa, đề nghị công nhận liệt sĩ cho đồng chí kia.
“Vừa rồi Thủ tướng đã công nhận, khi trao bằng tổ quốc ghi công, xã đón, người dân đón rất xúc động”, Bộ trưởng chia sẻ và cho biết phấn đấu trước 27/7 này sẽ xét duyệt cho ít nhất 200 trường hợp cá biệt như thế nữa.
Về vấn đề giám định ADN cho 300.000 hài cốt liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ làm quyết liệt, phải tìm cách mới vì với những vướng mắc như hiện nay thì đến 2019 vẫn chưa xong.
Ông cho biết, bản thân ông đang phải giải quyết tranh chấp 1 ngôi mộ tại Hà Tĩnh suốt 7 năm nay, giám định gen rồi nhưng gia đình vẫn chưa thừa nhận. Giờ phải chỉ đích danh 1 đơn vị giám định của Bộ Quốc phòng vào cuộc.
1.100 vụ xâm hại trẻ em, vẫn khó xử lý
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2016, cả nước xảy ra trên 1.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Vừa qua, hàng loạt câu chuyện đau lòng xảy ra tại Vũng Tàu, TP.HCM, Cà Mau, Hà Nội, Vĩnh Phúc...
“Tuy nhiên đây chỉ là con số thống kê. Chúng tôi dự báo con số này ngày càng gia tăng và chắc chắn con số thực tế lớn hơn nhiều vì nhiều gia đình muốn giấu hoặc có tình trạng thoả thuận, mặc cả”, Bộ trưởng Dung nhận định.
Dù tình trạng diễn biến ngày càng phức tạp, xong ông Dung cho biết, trong luật chỉ quy định trách nhiệm của Bộ về mặt quản lý nhà nước, còn trách nhiệm phòng chống xâm hại trẻ em lại giao cho chính quyền các cấp và trách nhiệm xử lý lại thuộc thẩm quyền Bộ Công an.
Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng |
Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, đây chính là điểm còn nhiều vướng mắc trong pháp luật.
“Đáng lưu ý, khái niệm thế nào là dâm ô vẫn chưa được giải thích từ ngữ trong luật nên việc áp dụng xử lý chưa có căn cứ”, Bộ trưởng nêu bất cập.
Với trách nhiệm của mình, ông cho biết Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 56 quy định chi tiết một số điều của luật Trẻ em, có hiệu lực từ 1/7 tới.
Bổ sung thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng để ngăn ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em cần quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền, phòng ngừa, cảnh báo cho gia đình, nâng cao ý thức cộng đồng, cần học tập kinh nghiệm của các nước.
Phải xác định trách nhiệm của các cấp chính quyền và có cơ chế tiếp nhận, chia sẻ thông tin để ngăn ngừa sớm.
“Vừa qua nhiều vụ việc báo chí đăng tải, nếu bộ ngành không có ý kiến bắt buộc VPCP phải thông báo để Chính phủ có chỉ đạo. Thẩm quyền đã phân cấp rất rõ, nên nếu bộ ngành có chỉ đạo sát sao sẽ giảm áp lực nhiều cho lãnh đạo Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.
Con liệt sỹ Gạc Ma gửi 'lá thư thứ 2' tới Bộ trưởng Tiến
Trước ngày nhận việc tại BVĐK Diễn Châu (Nghệ An), Phan Thị Trang – con gái liệt sỹ Gạc Ma Phan Huy Sơn (Diễn Nguyên, Diễn Châu) đã gửi thư cám ơn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Nén tâm nhang của Bộ trưởng tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên
Sáng nay, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cùng đoàn công tác đã đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang.
Xác định danh tính 99 liệt sĩ hy sinh tại Lào
Bộ LĐTB&XH công bố và trao kết quả giám định ADN, xác định danh tính 99 liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự hy sinh tại Lào.
Thúy Hạnh