Quốc hội hôm nay (27/10) thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Vấn đề thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc và việc tăng lương cho đội ngũ này được nhiều ĐBQH quan tâm.
Giải trình làm rõ thêm ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đã nhận trên 200 ý kiến cử tri bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc thiếu giáo viên và hiện tượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Theo tư lệnh ngành GD-ĐT, hai vấn đề khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết.
Về thiếu giáo viên, Bộ trưởng cho biết từ nay đến năm 2026 cần bù đắp 107.000 giáo viên.
"Con số này còn có thể biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc chứ không đứng yên. Đây là số lượng được tính toán cần bù đắp để đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học bình thường, và hơn thế là thực hiện các mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng".
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng, do nhiều năm trước đã không đủ giáo viên, số lượng bỏ việc, giảm biên, nhiều năm không tuyển, tuyển ít hơn nghỉ hưu, do thừa thiếu cục bộ, khó điều tiết và do tăng dân số tự nhiên…
Từ tháng 9/2015, tổng số học sinh có trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9/2022 số học sinh là trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên 9/2015 là 1,156 triệu, đến tháng 9/2022 có 1,227 triệu. Số giáo viên sau 7 năm chỉ nhích hơn 100.000 trong khi học sinh tăng trên 3 triệu. Bộ trưởng cho rằng "Đây là thiếu giáo viên do tăng dân số tự nhiên".
Bên cạnh thiếu giáo viên do biến động dân số, do dịch bệnh cũng khiến nhiều trường mầm non phải đóng cửa. Do nhu cầu phổ cập mầm non, muốn nâng cao chất lượng không thể duy trì số học sinh quá lớn trên lớp, nếu 60-65 học sinh trên lớp học thì rất khó nâng cao chất lượng dạy và học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thiếu giáo viên.
Ngoài ra, thiếu giáo viên còn do thời gian dài không tuyển được, thiếu nguồn tuyển…
Vừa qua Bộ Chính trị duyệt giao 65.000 chỉ tiêu từ nay tới năm 2026. Riêng năm 2022 duyệt biên chế 27.850 giáo viên, các Sở Nội vụ phối hợp Sở GD-ĐT các tỉnh bắt đầu tuyển dụng giáo viên.
Bộ trưởng cũng lưu ý ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh tuy thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu cũ chưa tuyển được. Ông đề nghị các địa phương vừa tuyển số cũ, vừa tuyển số mới để đáp ứng yêu cầu. Trong số 65.000 chỉ tiêu sẽ tuyển, Bộ trưởng Sơn mong ngành Nội vụ phối hợp với bộ ngành dồn chỉ tiêu cho các năm 2023, 2024. Đây là các năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn, nếu đợi sau thời điểm này việc tuyển giáo viên không còn ý nghĩa.
Ông Sơn nhấn mạnh "các địa phương cần tuyển ngay, tránh dồn 2, 3 năm mới tuyển".
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, theo Bộ trưởng Giáo dục, một trong những chính sách quan trọng còn là tăng lương. Đây là giải pháp quan trọng giải quyết đời sống và tâm lý cho giáo viên yên tâm công tác.
Bộ trưởng cũng cho hay giáo viên thiếu và bỏ việc nhiều nhất là giáo viên mầm non, chiếm trên 40%. Ông đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non. Hiện nay phụ cấp này là 35%, vì vậy đề nghị tăng nhóm này tương tự phụ cấp ưu đãi y tế cấp cơ sở lên 100%, nếu không thì tăng tối thiểu lên 70% ngang mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở.
“Ngành GD-ĐT đề nghị và hết sức mong muốn nâng phụ cấp ưu đãi, đặc biệt với giáo viên mầm non”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng cần phải cân nhắc việc giảm biên chế 10% với giáo viên, đề nghị các địa phương giám sát, thanh tra, kiểm tra đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ trưởng trả lời vấn đề SGK, học phí bằng văn bản sau.