- Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng việc ỷ lại vào biên chế khiến chất lượng giáo dục không cao, trong khi hầu hết ĐBQH đều cho rằng cần cân nhắc kỹ.

XEM CLIP:

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội hôm nay, nhiều ĐBQH dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục, nhất là chủ trương thí điểm bỏ biên chế của ngành giáo dục.

Đưa khỏi ngành giáo viên chưa đạt yêu cầu

Giải trình làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục cần có nguồn lực và động lực. Động lực đối với các giáo viên và nhà giáo rất quan trọng nhưng đang có nhiều bất cập.

Bất cập rất rõ là tuyển dụng, do quy định tuyển dụng công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt phổ thông nên chưa phù hợp dẫn đến thừa thiếu cục bộ.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VPQH

"Phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế cho ổn định nên rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng được chương trình mới. Vì vậy Bộ mới đặt vấn đề chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng”, Bộ trưởng giải thích.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã đề xuất thí điểm từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động với giáo viên trước hết là thí điểm ở trường đại học, và một số trường phổ thông có điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng.

”Giáo viên và đội ngũ quản lý cần được đặc biệt đổi mới vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng nghị quyết về đổi mới toàn diện giáo dục cũng nêu rõ việc xét năng lực của đội ngũ giáo viên phải căn cứ vào kết quả đóng góp, năng lực phẩm chất. Nếu không đạt, chưa đạt yêu cầu mới, kiên quyết đưa ra khỏi ngành.

”Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình, bước đi và chúng tôi đang thực hiện rất căn cơ”, Bộ trưởng nêu quyết tâm.

Ông cho hay, khi trao đổi vấn đề này với các đơn vị và các sở thì cũng nhận được sự nhất trí, dư luận cũng rất quan tâm và đồng hành.

Bỏ biên chế không quan trọng bằng đổi mới giáo dục

Tại phiên thảo luận buổi chiều, Phó chủ nhiệm bộ môn Tim mạch, ĐH Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu (ĐB An Giang), cho biết, ông không đồng tình với phương án bỏ biên chế trong giáo dục, y tế, mong Chính phủ hết sức cân nhắc.

”Nếu các vị ĐB về thăm các xã vùng cao, gặp các cô giáo, các y bác sĩ ngày đêm bám trụ tại đây thì có thể không chỉ vì yêu nghề mà họ ở lại với bà con mà họ vẫn cố gắng làm việc vì có niềm tin vẫn nằm trong biên chế, là công chức trong hệ thống”, ĐB tỉnh An Giang dẫn chứng.

{keywords}
ĐB Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Quốc Anh

Theo ông, việc bỏ biên chế trong giáo dục, y tế cần chính sách hết sức cụ thể, cho từng vùng miền với những đặc thù địa chính trị khác nhau, tránh sụp đổ mạng lưới mà rất nhiều năm chúng ta dày công xây dựng.

Ông cũng lưu ý, khi giao tự chủ cho các hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện, nếu không có sự tuyển chọn, đào tạo kỹ càng, có khả năng rơi vào tình trạng giao trứng cho ác.

Nếu bỏ biên chế hệ thống giáo dục, y tế thì nên bỏ cả biên chế toàn bộ hệ thống, trừ an ninh quốc phòng, đưa tất cả cán bộ viên chức về chế độ hợp đồng như hầu hết các nước trên thế giới. Có như vậy mới bỏ được tâm lý chạy được 1 suất biên chế cho người nhà để yên ổn suốt đời.

”Nếu lập luận bỏ biên chế sẽ làm y tế, giáo dục tốt hơn thì tại sao giữ biên chế của các ngành quản lý hành chính, các liên hiệp, các tổ chức lại giúp xã hội tốt hơn?”, ĐB đặt câu hỏi.

Ông nhấn mạnh, bỏ biên chế trong giáo dục không quan trọng bằng việc đổi mới giáo dục như thế nào. Đổi mới giáo dục là tất yếu, nhất là khi nhược điểm của nền giáo dục bộc lộ ngày càng nhiều.

ĐB Lân Hiếu đề xuất phải tạo ra một chương trình giáo dục mở, không nên ép buộc những tiêu chí cứng nhắc bắt tất cả học sinh trở thành nhà bác học với một mớ kiến thức khổng lồ, tài đức vẹn toàn.

Nêu ý kiến trước đó, ĐB Nguyễn Thị Phúc, giáo viên trường THPT Minh Châu (Yên Mỹ, Hưng Yên) nói, quá trình tinh giản biên chế ở các cơ sở giáo dục thời gian qua chủ yếu là dừng tuyển dụng. Việc này gây ra nhiều bất cập, không có người kế nhiệm vị trí công việc.

"Ngành giáo dục nhiều địa phương đã dừng tuyển dụng từ lâu, có nơi dừng từ năm 2008. Nay lại thêm chủ trương tinh giản biên chế khiến lòng yêu nghề của giáo viên giảm sút, ngành giáo dục không thu hút được học sinh giỏi yêu nghề. Đề nghị Chính phủ xem xét vấn đề này", ĐB Phúc nói.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần chú ý, cẩn trọng trong việc bỏ biên chế.

"Giáo dục là một quy trình công nghệ đặc biệt, đầu vào là con người, đầu ra cũng là con người, quá trình vận hành cũng là con người. Nếu quy trình này vận hành không tốt thì sản phẩm đầu ra cả xã hội phải chịu", Thượng tọa Quyết nói.

Theo ông, đối với giáo viên họ không quan niệm nặng nề phân biệt là công chức hay viên chức, là trong hay ngoài biên chế. Nhưng họ là người thầy cao quý trong xã hội nên mong tiếp tục phấn đấu thi đua công bằng, bình đẳng để cống hiến, khẳng định mình và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn hiện nay.

Bỏ biên chế giáo viên: Đừng nhầm lẫn điều này

Bỏ biên chế giáo viên: Đừng nhầm lẫn điều này

Sẽ hoàn toàn là nhầm lẫn khi cho rằng bỏ biên chế giáo viên thì giáo viên công lập sẽ giống như giáo viên các trường tư.

Lợi, hại biên chế giáo viên ở Đức

Lợi, hại biên chế giáo viên ở Đức

Các trường phổ thông công lập của Đức đang đứng trước một nan đề: Trường học phải vật lộn với cuộc chiến thiếu giáo viên. 

Tinh giản biên chế 2 năm, có hơn 20.000 tỷ GPMB sân bay Long Thành

Tinh giản biên chế 2 năm, có hơn 20.000 tỷ GPMB sân bay Long Thành

Theo Trưởng Ban Tổ chức TƯ, nếu năm nay và 2018 tiết kiệm chi 1%/năm thì có hơn 20.000 tỷ đồng, đủ để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.

'Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này'

'Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này'

 40 ngàn tỷ đồng để cải cách tiền lương theo đúng lộ trình không tìm đâu ra được. Muốn có nguồn tăng lương cho cán bộ cần làm 2 việc: Tinh giản biên chế và tiết kiệm chi tiêu.

Lương, tiền, bộ máy...vòng luẩn quẩn gỡ được không?

Lương, tiền, bộ máy...vòng luẩn quẩn gỡ được không?

Cải cách lương, nhưng tiền đâu, mà bộ máy lớn thế này thì phải thu nhỏ lại đã, cán bộ, công chức đông thế này thì phải giảm đã, nếu không thì tiền thuế của dân cũng không nuôi nổi…

Thúy Hạnh - Huy Phúc - Nguồn clip: VTV