"Cấp phép xong là không quản lý"?

Tại tọa đàm “Chung cư mini biến tướng: Giải pháp nào an toàn cho người dân” do Báo Tiền phong tổ chức ngày 26/9, Đại tá, TS. Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) nói, qua vụ cháy tòa nhà ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân) cho thấy, xin cấp phép một đằng, xây dựng một nẻo.

Theo ông Long, vì xây dựng không theo cấp phép quy định nên đa số tòa nhà không có lối thoát hiểm. Các tòa nhà này thường chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang. Ban công, cửa sổ, do đảm bảo an ninh nên thường quây kín kiểu “chuồng cọp”, khi có vấn đề xảy ra các lực lượng rất khó tiếp cận.

Ông nhấn mạnh, cơ quan quản lý vẫn còn nhiều sơ hở trong quản lý như cấp phép xong không quản lý, không thanh tra giám sát, không quản lý trong khi xây dựng. 

“Bất cứ nhà dân nào khi xây dựng, sửa chữa gì thanh tra xây dựng, quản lý xây dựng có thể đến ngay. Trong khi, các tòa nhà xây dựng trong cả quá trình dài nhưng chính quyền, thanh tra xây dựng không phát hiện, đó là sơ hở”, ông Long nói.

Tọa đàm “Chung cư mini biến tướng: Giải pháp nào an toàn cho người dân"” ngày 26/9.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Quách Anh, Phó trưởng Phòng quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, chung cư mini có nhiều “biến tướng” về xây dựng sai phép, không phép. Sở sẽ rà soát lại tất cả những nội dung này. 

Về số lượng chung cư mini trên địa bàn thành phố hiện nay, Sở Xây dựng chưa có ý kiến chính thức. Sau đợt tổng rà soát, Sở sẽ thống kê cụ thể loại hình nhà này; từ đó đánh giá thực chất, điều kiện thực tế về mặt trật tự xây dựng và quản lý. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với đơn vị PCCC để có biện pháp xử lý cụ thể.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị bổ sung thêm cụm từ “nhà chung cư mini biến tướng” trong Luật Nhà ở để "dứt khoát không hợp thức hóa những sai phạm về nhà chung cư mini hiện nay”.

Tuy nhiên, những chung cư mini xây dựng đúng theo giấy phép, đúng quy định PCCC, kinh doanh cho thuê và bán đúng theo Luật Kinh doanh Bất động sản thì cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, để loại nhà này phát triển an toàn, lành mạnh.

Bộ Xây dựng đề xuất xây căn hộ để bán phải lập dự án

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, đến thời điểm hiện nay, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ hay chung cư đều có. 

Ví dụ, chung cư theo quy định của Luật Nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có từ 2 căn hộ trở lên, được thiết kế xây dựng có phần sở hữu chung, riêng.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). 

Vì thế, ông Khởi cho hay, loại này phải được quản lý vận hành theo quy định của pháp luật nhà chung cư. Thế nhưng, do cứ coi đây như nhà riêng lẻ nên bỏ qua khâu quản lý vận hành.

"Trong luật có quy định, từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập ban quản trị nhà chung cư trong trường hợp có nhiều chủ sở hữu. Không phải khi xây dựng là nhà riêng lẻ thì quản theo nhà riêng lẻ. Bởi vì lúc đó đã bán cho nhiều chủ, không có nhà ở riêng lẻ có nhiều chủ. Đây là trường hợp mang tính đặc thù", ông Khởi nói và cho biết thêm, từ tháng 6/2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương yêu cầu kiểm tra, rà soát nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ.

Sau vụ cháy, Bộ tiếp tục có văn bản đôn đốc các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các chung cư, nhà ở cao tầng trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở. Nhân việc sửa này, sẽ có quy định chặt, rõ hơn.

“Trong dự thảo Luật nhà ở, Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội từ đầu năm để quản lý loại nhà này. Bộ báo cáo vẫn cho tiếp tục phát triển loại nhà này, nhưng quản lý chặt. 

Chính phủ đã trình Quốc hội mấy giải pháp. Trong đó, yêu cầu phải đáp ứng yêu cầu PCCC; xây dựng phải có sở hữu chung, riêng; bắt buộc phải có giấy phép xây dựng trong mọi tình huống. Đồng thời, giao cho UBND cấp tỉnh quy định hệ thống hạ tầng giao thông để PCCC có thể vào được; được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu với từng căn hộ”, ông Khởi thông tin.

Tuy nhiên, sau vụ cháy vừa rồi, hiện có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về việc tồn tại hay không tồn tại loại hình nhà này?

Ông Khởi cho biết, chưa chính thức trình Chính phủ, nhưng quan điểm của Bộ Xây dựng cho rằng: “Nếu xây dựng để bán thì phải lập dự án, dù ít hay nhiều căn hộ, không phân biệt quy mô để đảm bảo trách nhiệm đến cùng. Khi bán phải thực hiện theo Luật Kinh doanh Bất động sản; không phải bán giữa cá nhân mua bán với nhau. Nếu xây dựng cho thuê, cứ 20 căn hộ trở lên cũng phải lập dự án; còn dưới số đó phải xây dựng đáp ứng các yêu cầu PCCC, đúng theo giấy phép xây dựng.

Đặc biệt, trong hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng phải thể hiện rõ được xây bao nhiêu căn hộ, bao nhiêu tầng, mỗi tầng bao nhiêu căn. Đây là những đề xuất, Bộ đang làm báo cáo Chính phủ để gửi sang Thường vụ Quốc hội”.

Tổng rà soát chung cư mini, hạn cuối 15/11 phải báo cáo Chính phủ

Trung tá Lê Minh Hải - Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đang phối hợp nghiên cứu và tham mưu các giải pháp để lắp đặt, bố trí, sử dụng trạm sạc điện và giải pháp chữa cháy với xe điện hiện nay. 

Đồng thời, đang phối hợp với cơ quan xây dựng tiến hành tổng rà soát kiểm tra. Hạn cuối cùng báo cáo Chính phủ là ngày 15/11. Theo đó, phải báo cáo đánh giá toàn diện công tác PCCC xây dựng và an toàn điện đối với loại hình này. Trong đó, có nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Sau khi rà soát xong, sẽ phân loại tồn tại ở hạng mục nào và tham mưu với Bộ Xây dựng để sửa đổi bổ sung quy chuẩn.

Trong quá trình thực hiện, cơ quan này đã đề nghị công an địa phương khi kiểm tra thì hướng dẫn cho chủ cơ sở, chủ hộ gia đình có giải pháp, chẳng hạn, nhà có 1 cầu thang có thể nghiên cứu mở lối thoát khẩn cấp qua lô gia, ban công, lên mái.