Tại báo cáo tổng kết công tác giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính cho rằng quy mô thu ngân sách nhà nước được cải thiện, bình quân giai đoạn này đạt khoảng 24,5% GDP, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (23,5% GDP).
Trong đó, thu nội địa tăng dần, giai đoạn này thu nội địa trên tổng thu ngân sách đạt 81,6% (giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015 tương ứng là 59,5% và 68,7%).
Điều này, theo đánh giá của Bộ Tài chính, đã góp phần bù đắp xu hướng giảm thu từ dầu thô và thu từ thuế xuất, nhập khẩu. Mức độ phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài và vào nguồn tài nguyên, khoáng sản giảm đáng kể. Cụ thể, tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối xuất, nhập khẩu giảm từ khoảng 30% xuống còn 17,8% giai đoạn 2016-2020.
Các số liệu về điều hành ngân sách 2016-2020 bớt "căng" hơn giai đoạn trước. |
Bội chi ngân sách nhà nước trong những năm 2016-2019 giảm nhanh, bình quân khoảng 3,5% GDP. Đối với năm 2020, dự toán là 3,4% GDP nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 nên bội chi ngân sách tăng lên khoảng 4,99-5,99% GDP. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, bội chi ngân sách khoảng 3,8-3,9% GDP.
Năm 2020 do bội chi tăng, nên nợ công dự kiến khoảng 56,8%-57,4% GDP; nợ Chính phủ khoảng 50,8%-51,4% GDP, trong giới hạn an toàn của Quốc hội (nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54%).
Đề cập đến các mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025, Bộ Tài chính cho biết nhiều con số cụ thể. Theo đó, điểm khác biệt của giai đoạn 2021-2025 là con số GDP điều chỉnh sẽ được áp dụng. Nhờ quy mô GDP sau điều chỉnh tăng lên đáng kể nên các chỉ tiêu cũng được tính toán lại. Về cơ bản, quy mô GDP sau điều chỉnh tăng nên các chỉ số cũng “ổn” hơn giai đoạn 2016-2020.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,45%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó năm 2011 có tỉ lệ tăng cao nhất là 27,3% và năm 2015 có tỉ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. |
Theo đó, tỷ lệ huy động ngân sách bình quân khoảng 15-16% GDP (tương ứng là 19-20% GDP chưa điều chỉnh). Trong đó từ thuế, phí khoảng 13-14% (tương ứng 16-17% GDP chưa điều chỉnh).
Cơ cấu chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 27-28% GDP tổng chi ngân sách nhà nước; chi thường xuyên (bao gồm chi cải cách tiền lương) bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước.
Tỷ lệ bội chi trên GDP năm 2021 khoảng 4% GDP, giảm dần đến năm 2025 còn 3,4% GDP điều chỉnh. Bình quân cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 3,7% GDP điều chỉnh (tương ứng khoản 4,7% GDP chưa điều chỉnh).
Nợ công đến năm 2025 không quá 55% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP điều chỉnh.
Đến năm 2025, Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu hoàn thành việc thể chế hóa đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (gồm cả lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Bộ Tài chính cũng định hướng tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; tiếp tục giảm 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2016-2020.
Đến năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; thực hiện thoái vốn xong tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn; thu vào ngân sách nhà nước khoảng 248 nghìn tỷ đồng.
Lương Bằng
Điều khác biệt Việt Nam 2020
Việc kích hoạt sớm hệ thống phòng chống đại dịch Covid-19 đã khiến Việt Nam trở thành tấm gương sáng trên thế giới về kiểm soát dịch bệnh.