Chỉ có điều băn khoăn, trăn trở bấy lâu nay là bao đời, bao người học giỏi, làm giỏi mà cha mẹ vẫn nghèo, quê hương vẫn nghèo.
Xem lại Kỳ 1: Từ kỳ tích Ixrael nghĩ về vùng ‘10 ngày 3 cơn bão’
Miền đất gió lào cát trắng ấy, từ bao đời nay quăng quật với đói nghèo và vượt khó để tìm đường làm giàu. “Trời làm mất”, người cố công “bắt đất phải bù” nhưng thực tế không bao giờ có thể bù đắp được. Vậy nên chỉ còn cách khêu đèn lên mà học. Khó mấy cũng học. Chả thể mà có “tích” cá gỗ! Học, thi đỗ cho bằng anh, bằng em, bằng bạn, bằng bè. Chả thế mà có câu đối nức lòng bao thế hệ “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/ Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà!”
Đến bây giờ, dù có bao đổi thay thì miền đất ấy vẫn lấy sự học làm đầu. Mới có chuyện hàng chục “thủ khoa con nhà nghèo”. Thì cả làng nghèo đời này qua đời khác, con cháu học giỏi thi đỗ tung bay muôn nơi, làm giàu ở đâu chứ quê mình không làm nổi. Thủ khoa sau, sau nữa không con nhà nghèo thì con ai bây giờ?
Chỉ có điều băn khoăn, trăn trở bấy lâu nay là bao đời, bao người học giỏi, làm giỏi mà cha mẹ vẫn nghèo, quê hương vẫn nghèo. Vì thiên tai khắc nghiệt, vì xa cực tăng trưởng, xa vùng kinh tế trọng điểm hay vì… nhiều người giỏi quá, nên không thể làm nổi điều gì???
Lễ vinh danh thủ khoa xuất sắc năm 2013 tại Hà Nội. Ảnh: iOne
|
***
Có lần đọc một bài báo nói về trí thức Nga, tôi thấy tác giả nêu một điều đáng suy ngẫm. Đó là dù ai đó tài năng kiệt xuất đến mấy mà chỉ chăm chăm phục vụ lợi ích đâu đó, không đếm xỉa gì đến lợi ích của nước Nga thì tuyệt đối không xếp họ vào hàng ngũ trí thức Nga!
Một tác giả người Việt, khi bàn về doanh nhân Việt cũng có ý kiến thật chí lý. Đó không chỉ là người thành đạt trên thương trường, không chỉ biết làm ra nhiều tiền, mà còn phải biết chăm lo công tác xã hội, biết thương người nghèo khó, biết cách cho người ta cần câu chứ không chỉ con cá!
Miền đất gió lào cát trắng ấy, bao người, bao thế hệ khêu đèn học giỏi, vượt khó vươn lên thành đạt, đã và đang là những trí thức Việt, doanh nhân Việt thật sự, cống hiến tận cùng cho đất nước, cho nhân loại, nhưng hình như vẫn chưa/không biết cách nào để giúp quê hương thoát nghèo?
Là bởi tôi từng được dự một vài cuộc họp bàn của những người tài giỏi, tâm huyết với mọi bước đi của quê nhà tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Là bởi tôi cũng từng nghe trực tiếp những người con xa quê thành đạt, chấp nhận mọi khó khăn để tìm cách đầu tư về quê.
Là bởi tôi từng biết rất cụ thể hiệu quả chính sách thu hút nhân tài, kể cả thay đổi nhận thức về làm việc, cống hiến ở đâu không quan trọng, miễn là phát huy được tài năng và có trách nhiệm cụ thể với quê nhà.
Nhưng dường như mọi thứ vẫn chưa được như mong mỏi, vẫn cứ bị “chốt”, bị “rào”, bị “cấm”[1]* ở đâu đó từ xưa tới nay?
***
Lại nhớ đến câu chuyện hàng cứu trợ ở Bogo, Tacloban – Philippines và “kỳ tích trên hoang mạc” của người Ixrael.
Có những miền đất, người dân luôn phải oằn lưng gánh chịu sự tàn phá của thiên tai, từ đời này qua đời khác nuôi giữ ý chí vượt lên tất cả, không bỏ mặc số phận, không lùi bước. Người dân đất nước Philippines hay người miền trung gió lào cát trắng quê tôi có chung phẩm chất tuyệt vời đó.
Một nông trại giữa sa mạc Arava, một trong những vùng đất khô cằn nhất thế giới. Ảnh: VnEconomy |
Không có điều kiện để hiểu về chuyện đèn sách, học giỏi của người Philippines, nhưng tôi tin và khâm phục việc họ dám đầu tư mở các lớp Tiếng Anh cho rất nhiều người nước ngoài bỏ tiền theo học, như ở Cebu mà bạn tôi tham gia, là việc làm đầy thông minh và hiệu quả, vượt tầm suy tính thông thường.
Chắc chắn nhiều người Việt, trong đó có người miền trung gió lào cát trắng, cũng có nghĩ suy vượt thời gian, không gian, để làm được những kỳ tích, được ngợi ca, khâm phục.
Chỉ có một điều đáng nói, đất nước Ixrael với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt đến thế, khi các nhà khoa học khẳng định “con người không thể sống được ở vùng đất này!”, thì từ năm 1959, đã có một nhóm người trẻ, bị coi là “bồng bột”, “điên rồ” mang theo bánh mì và nước đến lập nghiệp ở thung lũng Arava, nơi lượng mưa trung bình hàng năm chỉ đạt 20-50 mm, nơi chỉ có đá vụn và cồn cát
Cú “đột phá” táo bạo đó của những người trẻ tuổi, những người mang bản chất, bản lĩnh của khoa học là không bao giờ bằng lòng với bất cứ thực tại nào, kể cả chính khoa học, để khẳng định rằng “chính con người cũng có thể tạo nên vườn địa đàng”[2]** như lời Tổng thống Ixrael, ông Simon Peres nói năm 2009.
Miền trung gió lào cát trắng quê tôi hay ở vùng rừng khộp khô nóng tỉnh Ateuper- Lào, mấy năm nay đã xuất hiện những hình ảnh thực tế từ “kỳ tích trên hoang mạc Ixrael” qua những trang trại nuôi bò sữa, những đồng cỏ ngút ngát, nhà máy chế biến sữa tươi, những vườn rau sạch, đồng cà chua năng suất cao, những cánh rừng cao su, những cánh đồng ngô áp dụng phương pháp tưới phun nhỏ giọt kiểu Ixrael…
Nhưng tháng 6 vừa rồi, nắng nóng kéo dài ròng rã, nhiệt độ nhiều bữa lên tới 40 độ C (tương đương nhiệt độ bình quân ban ngày ở Ixrael), quê tôi đã phải chính thức công bố hạn hán! Giếng đồi nhà tôi mạch nước chưa bao giờ cạn, vậy mà vừa đây phải đào thêm 4-5 m sâu. Nghĩa là thiên tai ở quê tôi đã đạt tới điểm khắc nghiệt như chính đất nước Ixrael xa xôi.
Cán bộ tỉnh Nghệ An tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa tại Tel Aviv - Ixrael |
Chỉ khác là quê tôi không/chưa có bể chứa nước khổng lồ kiểu như bể chứa Shizaf dự trữ tới 150.000 m3 nước, phục vụ dân sinh và tưới tiêu, thành quả của việc tạo ra nước ngọt-vàng trắng, tạo ra kỳ tích nông nghiệp trên vùng hoang mạc bao đời.
Bấy giờ cũng là mùa thi, mùa bội thu học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, mùa nở rộ rất nhiều những “thủ khoa con nhà nghèo”, mùa khen thưởng hàng nghìn thầy cô, học sinh giỏi…
Tôi cứ nghĩ, liệu có hay không, giống hay khác với hoang mạc Ixrael, những người trẻ “bồng bột”, “điên rồ” dám đột phá, dám thách thức mọi giới hạn, “mang bánh mì và nước” đến thực hiện một kỳ tích mới trên miền quê gió lào cát trắng?
Châu Phú
-----