“Tình trạng bụi mù mịt ở công trường sân bay Long Thành là do các biện pháp bảo vệ môi trường không được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc”, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam nói.
Nhiều tháng qua, hàng nghìn hộ dân sinh sống gần sân bay Long Thành liên tục phải sống trong tình trạng ô nhiễm bụi từ công trường sân bay.
Hiện nay, trời nắng nóng kèm gió mạnh khiến ô nhiễm bụi càng thêm trầm trọng. Lượng bụi khổng lồ từ công trường gây ảnh hưởng đời sống của người dân trong bán kính hơn 10km.
Trao đổi với P.V VietNamNet, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, bụi và bụi mịn trong xây dựng sân bay Long Thành là một trong những yếu tố được thể hiện trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
“Với bất kỳ công trình xây dựng nào, chủ dự án cũng phải lường trước các vấn đề và đặt ra những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó có xử lý bụi, bụi mịn PM2.5. Điều này được thể hiện trong báo cáo đánh giá tác động môi trường mà nhà đầu tư nộp cho cơ quan chức năng", ông Tùng cho biết.
Ở trường hợp dự án sân bay sân bay Long Thành, ông Tùng nhấn mạnh, trong đánh giá tác động môi trường phải đề ra các biện pháp, trong đó có tưới nước và các biện pháp khác để ngăn bụi, bụi mịn PM2.5.
Thế nhưng, qua báo chí phản ánh tình trạng bụi mù mịt ở công trường sân bay Long Thành, ông Tùng nhận định điều này đồng nghĩa với các biện pháp bảo vệ môi trường không được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc.
Theo lý giải của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng như Ban quản lý dự án sân bay Long Thành, nguyên nhân bụi phát tán do diện tích san lấp mặt bằng rất lớn, các đơn vị thi công tưới nước liên tục nhưng không thể bao phủ được hoàn toàn diện tích. Do đó, giải pháp này gần như không mang lại hiệu quả.
Không đồng tình với cách lý giải trên, ông Tùng cho rằng: “Các tình huống đều đã được tính toán trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ví dụ đơn vị thi công sẽ xúc bao nhiêu khối đất, vận chuyển, số lượng bao nhiêu xe, tốc độ gió, nhiệt độ môi trường như thế nào… làm căn cứ tính ra số lượng bụi phát sinh. Từ đó nhà đầu tư phải đưa ra các phương án dùng các xe téc tưới nước như thế nào để giảm bụi".
Theo ông Tùng, tình trạng bụi ở công trường sân bay ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sức khoẻ cũng như chất lượng không khí môi trường. "Các nhà quản lý hoàn toàn có thể thanh tra, kiểm tra, xử phạt, thậm chí đình chỉ thi công và yêu cầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường", ông Tùng nhấn mạnh.
Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cảnh báo, khi bụi, bụi mịn vượt quá quy chuẩn sẽ đi sâu vào phổi, luồn vào trong mạch máu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ có thai hay những người mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, trẻ nhỏ sống ở những nơi ô nhiễm không khí nặng khó phát triển chiều cao toàn diện và có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn từ 19 - 25% so với bình thường.
Liên quan đến tình trạng bụi phát sinh từ quá trình thi công sân bay Long Thành, vào cuối tháng 12/2022, Sở TN-MT Đồng Nai đã kiến nghị Bộ TN-MT vào cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại dự án xây dựng sân bay Long Thành. Theo kết quả quan trắc không khí định kỳ từ tháng 4 - 10/2022, tại khu vực xây dựng sân bay Long Thành, phát hiện ô nhiễm bụi vượt quy chuẩn từ 1,02-18,32 lần.
Bụi và bụi mịn PM2.5 nguy hiểm thế nào?
Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC đã cho thấy mối tương quan tỷ lệ thuận giữa mức độ ô nhiễm bụi không khí với tỷ lệ người mắc ung thư.
Theo đó, mật độ bụi mịn PM2.5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi tăng đến 36%. Bụi mịn PM2.5 đặc biệt nguy hiểm vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.
Bụi và bụi mịn PM2.5 tích tụ lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ phát bệnh ở hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ tuần hoàn và cả hệ sinh sản của con người.