Một bán bún riêu 100.000 đồng, gửi xe 20.000 đồng, thậm chí 1 cốc trà đá cũng 10.000 đồng,... tất cả những thứ "kỳ lạ" như vậy chỉ xảy ra vào Tết Nguyên Đán ở Hà Nội.
Theo phản ánh của người dân, các mặt hàng ăn uống, gửi xe, rau xanh, hoa quả,.... vào dịp Tết Nguyên Đán năm nay đều tăng giá mạnh. Đặc biệt là mặt hàng ăn uống. Ở các cửa hàng "có tâm", giá chỉ "khiêm tốn" tăng khoảng 20 - 50%. Những có những cửa hàng hét giá gấp đôi, thậm chí là gấp 3 trong vài ngày Tết.
Dịch vụ ăn uống, gửi xe "hét giá"
Dịch vụ ăn uống là có mức tăng cao nhất. |
Người dân Hà Thành không quá lạ lẫm với một bát phở, bát bún riêu giá 100.000 đồng. Không chỉ riêng năm nay, mà hầu như Tết nào cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông Văn Chương (87 tuổi, Khâm Thiên) cho biết, vào ngày bình thường, một bát bún riêu chỉ khoảng 30.000 đồng là đắt nhất, nhưng Tết đến giá của chúng có thể 100.000 đồng.
"Sống ở Hà Nội cả một đời người, nhưng năm nào cũng xảy ra tình trạng 'chặt chém, hét giá' như thế này. Vào những năm bao cấp, không hề có chuyện đó, nhưng càng ngày cái nạn 'chặt chém' càng leo thang", ông Chương nói.
Đồng quan điểm với ông Chương, anh Đỗ Văn Huyên (28 tuổi, Tôn Đức Thắng) cho rằng, muốn ăn gì ngày Tết nên hỏi giá trước, được giá thì ăn không thì thôi: "Việc một số hộ kinh doanh tha hồ chặt chém, hét giá không phải là cá biệt nữa rồi mà lan rộng ra cả thành phố".
Không chỉ mặt hàng ăn uống, các dịch vụ gắn liền với tín ngưỡng đi chùa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ở trục đường Thanh Niên có 2 di tích nổi tiếng thu hút rất nhiều người dân đi lễ chùa là chùa Trấn Quốc và Đình - Đền Quán Thánh. Tại đây, một số hộ dân tận dụng khoảng sân rộng để tập kết thành bãi giữ xe, giá vé ở đây là 20.000 đồng/xe.
Nhắc đến nạn chặt chém bãi gửi xe không thể không kể đến khu vực phố cổ - bờ hồ Hoàn Kiếm. Giá vé gửi xe ở đây trong thời điểm "hot" có thể lên tới 50.000 đồng/xe máy và 300.000 đồng/xe ô tô.
Được biết, UBND Thành phố Hà Nội đã từng ban hành quyết định số 69/2014/QĐ-UBND về thu phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, mức thu phí bên ngoài các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại tại địa bàn các quận, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, quy định 4 mức thu: ban ngày, ban đêm, cả ngày và đêm và theo tháng tương ứng với 2.000 đồng, 3.000 đồng, 4.000 đồng đồng/xe/lượt và 40.000 đồng/xe/tháng.
Tuy nhiên, ngay cả các bãi gửi xe của Thành phố hoặc ban bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh cũng đều phớt lờ quyết định của UBND Thành phố. Theo đó, giá vé gửi xe ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đình - Đền Kim Liên, đều đồng giá 10.000 đồng, đắt hơn gấp 3 lần.
Nhiều người dân đầu năm mới không muốn thắc mắc số tiền nhỏ như vậy nên họ thường bỏ qua. Nhưng xét trên diện rộng, với tầng suất gửi xe đông đúc dịp Tết như vậy, mỗi bãi xe sẽ có một nguồn thu khổng lồ.
Đến chợ cóc cũng hét giá
Do nhu cầu đi chợ của người dân trong dịp Tết tăng, nhiều tiểu thương bán rau xanh, thịt, cá đã bắt đầu kinh doanh từ mùng 2 Tết. Nhìn chung năm nay, giá các loại rau xanh, hoa quả, hoa là giữ được phong độ tăng giá như mọi năm. Riêng mặt hàng, thịt, đặc biệt là thịt lợn ổn định, thậm chí là có xu hướng giảm nhẹ trong dịp Tết.
Rau, củ, quả cũng có mức tăng "nhờ" Tết. |
Theo khảo sát của phóng viên, ngày mùng 5 Tết tại chợ Hàng Da, Thành Công, Châu Long (Hà Nội), một số loại rau xanh có mức tăng 50% so với thời điểm trước Tết và "hạ nhiệt" một chút trước đó 3 ngày.
Một mớ rau muống có giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng. Một số loại rau khác cũng có mức tăng tương tự. Kể cả một số loại rau, củ làm gia vị như hành lá, tỏi, gừng, ... cũng tăng thêm vài nghìn đồng.
Cô Tuyết, một tiểu thương tại chợ Hàng Da cho biết: "Giá rau xanh năm nay còn... rẻ hơn năm ngoái nhờ nguồn cung dồi dào rồi đó. Mọi năm, phải tăng gấp rưỡi bây giờ". Cô Tuyết giải thích, việc rau xanh tăng giá phụ thuộc rất nhiều vào bên cung cấp. "Đầu năm nay bán chậm lắm, ngồi chơi cả ngày", cô Tuyết than thở.
Mùng 6 Tết, Hà Nội sẽ bớt "chặt chém"?!
Theo một số người dân, người kinh doanh, sau Tết Nguyên Đán khoảng mùng 6, chậm nhất là mùng 8, giá của tất cả các mặt hàng "chặt chém, hét giá" sẽ trở lại giá trị thật sự của nó. Sở dĩ, vào thời điểm mùng 6, các trường học, bệnh viện, công nhân viên chức bắt đầu ngày làm việc đầu tiên sau nghỉ lễ. Một lý do khác là cùng vào khoảng thời gian mùng 6, các cửa hàng kinh doanh, các doanh nghiệp, xí nghiệp cũng bắt đầu kinh doanh trở lại.
Dự báo, vào khoảng mùng 6 Tết, giá cả của các mặt hàng sẽ đồng loạt giảm. |
Vì vậy, để không bị mất khách, các cửa hàng có truyền thống chặt chém ngày Tết buộc phải niêm yết lại giá. Bà Loan, một hộ kinh doanh ăn uống trên phố Hàng Chiếu chia sẻ: "Khoảng mùng 6, cô sẽ trở lại giá cũ là 30.000 đồng/bát mỳ vằn thắn. Hôm đó, chợ hoạt động lại, cô cũng sẽ hạ giá theo".
Cho dù nạn chặt chém, hét giá ở Thủ Đô chỉ diễn ra cục bộ, trong một thời gian ngắn nhưng năm nào cũng khiến người dân búc xúc. Nếu xét nhìn nhận dài hạn, việc tiếp diễn nạn chặt chém ngày Tết sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới bộ mặt du lịch của Thủ Đô.
Đơn cử, anh Shintaro Kobayashi, một công dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam chia sẻ: "Nếu có một người bạn hay một người quen nào người Nhật muốn đi du lịch Hà Nội thì tôi khuyên rằng họ không nên đi. Hãy đợi qua Tết hẵng đi vì giá cả ngày Tết đều rất đắt đỏ, chặt chém và hét giá tràn lan".
(VTC News)