Cà Mau là tỉnh có vị trí địa lý đặc biệt nằm ở cực Nam của Tổ quốc. Sản xuất nông nghiệp của Cà Mau đã và đang phát triển mạnh mẽ, hàng hóa nông nghiệp ngày càng nâng cao về chất lượng và số lượng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Cà Mau hơn 303.320 ha, trong đó diện tích nuôi tôm 278.365 ha (chiếm khoảng 40% cả nước). Toàn tỉnh có diện tích gieo trồng lúa hơn 111.000 ha với sản lượng đạt 549.619 tấn.

Tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng Sông Cửu Long 2023 được tổ chức mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã có báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau. Theo đó, tỉnh Cà Mau hiện có 145 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao, cụ thể: 127 sản phẩm thuộc sản phẩm thực phẩm (chiếm 86%); 10 sản phẩm thuộc Sản phẩm đồ uống (chiếm 7%); 08 sản phẩm thuộc Sản phẩm thủ công mỹ nghệ (chiếm 7%). Tổng số chủ thể được công nhận của 67 chủ thể OCOP, trong đó: 17 Công ty/doanh nghiệp (chiếm 25%), 28 Hợp tác xã (chiếm 42%), 22 Hộ kinh doanh (chiếm 33%).

42 ocop ca mau.jpg
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có doanh thu tăng khoảng 10-30%.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, các sản phẩm OCOP hiện nay đã tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng như điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản, đặc trưng OCOP gắn với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, một số sản phẩm được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Hiện có 42 sản phẩm OCOP của 14 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh. Một số sản phẩm đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: Viettel (voso.vn), (Postmart) và các kênh khác Lazada mall, Amazon, Alibaba;... 100% các sản phẩm OCOP tỉnh đều được đưa lên trang sàn thương mại điện tử của tỉnh (madeincamau.com). 

Qua kết quả khảo sát cho thấy các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có doanh thu tăng khoảng 10-30%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng 20%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng 25 - 30%, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 600 người lao động với mức lương dao động từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng không ngừng được nâng cao, các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau có tiềm năng rất lớn trong liên kết phát triển sản phẩm OCOP với các tỉnh trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên thực tế đã qua cho thấy, một số sản phẩm chủ thể là các công ty, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm khá tốt, còn lại hầu hết các sản phẩm của chủ thể là HTX, tổ hợp tác hay hộ sản xuất kinh doanh cá thể thì không làm tốt đối với khâu quan trọng này. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực quản trị, điều hành hoạt động sản xuất còn hạn chế, khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.... Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP chưa thật sự lan tỏa. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm đã được hình thành nhưng chưa ổn định, thiếu bền vững. Chất lượng đặc sản vẫn còn thấp, không ổn định do không có sự kiểm soát nghiêm ngặt về nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân loại, bảo quản, đóng gói, xây dựng thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ. Sản xuất hàng hóa chưa gắn với tiêu thụ sản phẩm...

Để kết nối tiêu thụ và xúc tiến thương mại nông sản, thủy sản chủ lực và sản phẩm OCOP của Cà Mau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tăng cường thực hiện tốt công tác dự báo thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực và sản phẩm OCOP theo nhu cầu của thị trường. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển biến từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó là chủ động rà soát năng lực sản xuất của các địa phương, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản; thực hiện có hiệu quả công tác kết nối tiêu thụ nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, bà con nông dân với doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến, các hệ thống phân phối, tiêu thụ hoặc thông qua các Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên nền tảng Internet để quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực và sản phẩm OCOP… 

Quang Ninh và nhóm PV, BTV