Giữ ngôi số 1 ở chợ toàn cầu

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam không ngừng tăng cao. Năm 2022, con cá tra thắng đậm khi xuất khẩu lập kỷ lục lịch sử 2,4 tỷ USD. Đây được xem là kỳ tích, bởi từ “ao làng” con cá tra Việt vươn ra thị trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu của 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 1997, lần đầu tiên cá tra Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới, kim ngạch xuất khẩu chỉ vọn vẻn 1,65 triệu USD. Thị trường chủ yếu tập trung ở các nước lân cận như Trung Quốc – Hong Kong, Đài Loan. Song, đây là cột mốc con cá tra từ ao làng đã vươn ra chợ toàn cầu.

Từ năm 2000 trở đi, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL bắt đầu có những bước nhảy vọt với việc hình thành nên các vùng nuôi tập trung lớn. Năm 2002, xuất khẩu có bước phát triển “ngoạn mục”, khối lượng xuất khẩu đã tăng 6.580% và giá trị xuất khẩu đã tăng 5.253% so với năm 1997, số lượng thị trường cũng tăng 3 lần so với thời điểm “tập đi”.

W-ca-tra-viet-nam-1.jpg
Việt Nam có thế mạnh nuôi trồng và xuất khẩu cá tra (Ảnh: Hoàng Giám)

Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, ngành hàng cá tra nước ta không ngừng phát triển và hiện trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng hàng triệu tấn mỗi năm. Cá tra Việt có mặt ở hầu khắp các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản… 

Năm 2008, bất chấp những rào cản thương mại, xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 1,46 tỷ USD, trở thành con cá tỷ USD đầu tiên của nước ta. Đến năm 2022, xuất khẩu cá tra lập kỷ lục lịch sử khi kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD. Trong nửa đầu năm 2023, con cá tra đem về 873 triệu USD.

Ở nước ta, chuỗi cá tra hình thành. Phần lớn người nông dân đều tham gia nuôi liên kết để cung cấp nguồn cá nguyên liệu thương phẩm cho các nhà máy chế biến, doanh nghiệp trong ngành cũng sở hữu công nghệ chế biến hiện đại bậc nhất thế giới. Cá tra Việt Nam đang giữ ngôi số 1 thế giới cả về sản lượng lẫn xuất khẩu.

Phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho con cá tra Việt Nam 

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cá tra Việt Nam không còn “một mình một chợ”. Thế mạnh này của nước ta có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh lớn khi Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Campuchia... bắt đầu đẩy mạnh nuôi và xuất khẩu.

Theo báo cáo tại Hội nghị Thị trường Thủy sản toàn cầu, từ năm 2015 trở về trước, sản lượng cá tra của Việt Nam luôn chiếm trên 99% tổng sản lượng cá tra nuôi toàn thế giới. Đến nay, sản lượng cá tỷ USD của nước ta chỉ còn chiếm 52% trong tổng sản lượng cá tra toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, dù đạt được nhiều thành tích trong xuất khẩu nhưng như vậy không có nghĩa là cá tra đã hoàn hảo. Ông nhấn mạnh tới vấn đề đa dạng sản phẩm cá tra, nhất là các sản phẩm gia tăng giá trị. 

Cùng với đó, xây dựng thương hiệu quốc gia cho con cá tra Việt Nam tại thị trường nội địa và quốc tế một lần nữa được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề cập như một nhiệm vụ quan trọng mà cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần phải làm.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, thừa nhận, cá tra Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu được tiêu thụ trong các nhà hàng. Trong đó, các chủ nhà hàng thường gọi cá tra bằng những cái tên do họ tự nghĩ ra theo hướng “hoành tráng” hơn. Điều này khiến cho mức độ nhận diện của người tiêu dùng đối với cá tra Việt Nam bị hạn chế.

Hiện, cá tra Việt Nam có nhiều điểm mạnh để xây dựng thương hiệu. Ví như, ngành cá tra Việt Nam đã phát triển qua nhiều năm, có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam cũng như trên thế giới; chất lượng cá tra cũng được nhiều đầu bếp chuyên nghiệp khẳng định...

Nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu, cá tra Việt Nam không những bị hạn chế về nhận diện đối với người tiêu dùng, mà còn hay bị nghi ngờ về chất lượng. Đến nay, ở nhiều thị trường, cá tra vẫn  bị mặc định là cá giá rẻ, chất lượng thấp.

Theo các chuyên gia ngành thuỷ sản, thương hiệu là tên tuổi, là đỉnh cao của chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thương hiệu còn là sự kết tinh giá trị của sản phẩm, gắn với tình cảm của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Nói cách khác, thương hiệu thể hiện sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm. 

Đối với cá tra, đây là sản phẩm có lợi thế của Việt Nam và chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất, nâng cao sản lượng. Chính vì vậy, việc xây dựng được thương hiệu là yếu tố mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong thương mại để từ đó tạo dựng được thị trường ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nếu xây dựng được thương hiệu tốt thì sức cạnh tranh sẽ tốt.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm thuỷ sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh của của nước ta, trong có có con cá tra.

Bởi, muốn giữ ngôi số 1 thế giới trong sản xuất và xuất khẩu, con cá tra cần nâng cao vị thế, khẳng định thương hiệu bền vững ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ phát triển thương hiệu, hình ảnh, uy tín của các doanh nghiệp.

 Bạch Thị Hân, Nguyễn Văn Hùng, Hà Lệ Yên, Nguyễn Hồng Hạnh