Trong vài thập kỷ qua, dịch vụ gia sư riêng, dạy và học thêm đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá tỷ đô trên toàn cầu. Yếu tố cạnh tranh ngày càng tăng trong giáo dục, áp lực phải đạt được thành tích học tập cao và nhận thức rằng giáo dục chính thống là không đủ đã thúc đẩy xu hướng này.
Ở nhiều quốc gia, các gia đình thường đầu tư một phần đáng kể thu nhập vào việc cho con học thêm để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho con.
Tuy nhiên, sự gia tăng của dịch vụ này gây nhiều tranh cãi với những chỉ trích như làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giáo dục, gây căng thẳng không đáng có cho học sinh và làm suy yếu hệ thống giáo dục công.
Những lo ngại này đã khiến một số chính phủ phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, bao gồm lệnh cấm hoàn toàn hoặc hạn chế nghiêm ngặt đối với dịch vụ dạy - học thêm.
Trung Quốc: Cuộc ‘cách mạng’ giảm áp lực
Tháng 8/2021, Trung Quốc ban hành chính sách “giảm gấp đôi” (shuangjian) nhằm cấm dạy, học thêm sau giờ học, vào cuối tuần, ngày lễ cho học sinh dưới 16 tuổi với mục đích giảm bớt gánh nặng học tập và thúc đẩy bình đẳng xã hội.
Một tháng sau đó, nước này tiếp tục cấm gia sư dạy kèm trực tuyến hoặc tại các địa điểm không được đăng ký như tòa nhà dân cư hoặc khách sạn.
Theo SBS News, dịch vụ dạy thêm bắt đầu nổi lên ở Trung Quốc vào đầu những năm 1990. Trước lệnh cấm 2021, ngành công nghiệp này ước tính có giá trị 2 nghìn tỷ NDT (khoảng 6,9 triệu nghìn tỷ đồng).
Lợi dụng tâm lý của cha mẹ muốn con cái mình thành công, các trung tâm gia sư tư nhân đã thu về lợi nhuận lớn trong nhiều năm. "Họ lợi dụng nỗi sợ bị tụt hậu của mọi người", Hou Yuxin, người làm việc lâu năm trong lĩnh vực giáo dục tư nhân chia sẻ với CNA.
Lệnh cấm được đưa ra nhằm giảm bất bình đẳng giáo dục. Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng sự phổ biến ngày càng tăng của dịch vụ dạy thêm học thêm, gia sư riêng đang làm gia tăng khoảng cách tiếp cận giáo dục giữa các gia đình giàu có và thu nhập thấp.
Con cái những gia đình đủ khả năng chi trả có lợi thế rõ rệt về thành tích học tập cũng như khả năng tiếp cận các trường học hàng đầu, dẫn đến sự phân tầng xã hội lớn hơn.
Đồng thời, ngày càng nhiều sự lo ngại về sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh khi các em phải học nhiều giờ liền ở trường và trong các buổi học thêm ngoài trường. Áp lực học tập căng thẳng, lo lắng gia tăng và thậm chí dẫn đến các trường hợp tự tử ở học sinh.
Chính phủ Trung Quốc muốn chấn chỉnh ngành công nghiệp dạy - học thêm để khẳng định lại vai trò trung tâm của giáo dục công trong sự phát triển học thuật của học sinh.
Đầu năm 2024, Bộ Giáo dục Trung Quốc xin ý kiến về Dự thảo Quy định về Quản lý Đào tạo ngoài trường nhằm quản lý chặt chẽ hơn ngành công nghiệp này.
Cuba, Triều Tiên: Cấm hoàn toàn
Tại Triều Tiên, việc dạy kèm riêng là bất hợp pháp. Chính phủ quản lý chặt chẽ mọi khía cạnh của giáo dục. Bất kỳ hình thức dạy kèm riêng nào ngoài hệ thống giáo dục do nhà nước phê duyệt đều bị cấm.
Chính phủ Triều Tiên nhấn mạnh đến sự bình đẳng trong giáo dục và hệ tư tưởng tập thể - hai khía cạnh được cho là có thể bị việc dạy kèm riêng làm suy yếu. Cho phép các hoạt động như vậy sẽ đưa vào các yếu tố cạnh tranh và chủ nghĩa cá nhân.
Tuy nhiên, nhu cầu dạy - học thêm, gia sư tại quốc gia này vẫn lớn, theo The Economist. Bất chấp lệnh cấm chính thức, thị trường gia sư tư nhân của Triều Tiên vẫn đang mở rộng, đặc biệt tập trung vào việc học tiếng Anh, theo thông tin của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Cuba cũng có hệ thống giáo dục tập trung, trong đó giáo dục tư nhân là bất hợp pháp, bao gồm cả dạy thêm, học thêm. Chính phủ Cuba coi giáo dục là một lợi ích công cộng nên được nhà nước cung cấp và tin rằng việc cho phép gia sư riêng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục.
Phương Tây vắng bóng?
Các nước phương Tây, cụ thể ở châu Âu hay châu Mỹ, vắng bóng trong danh sách này chủ yếu là do sự khác biệt về chính sách giáo dục hay thái độ văn hóa.
Ở nhiều quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và châu Mỹ, gia sư, dạy thêm và các lớp học thêm được chấp nhận như một phương tiện bổ sung cho giáo dục chính quy. Những hoạt động này thường được coi là cần thiết cho sự thành công toàn diện trong học tập, đặc biệt là trong các hệ thống giáo dục cạnh tranh.
Thay vì cấm hoàn toàn, nhiều quốc gia phương Tây quản lý việc dạy thêm thông qua việc cấp phép, đánh thuế và kiểm soát chất lượng.
Dạy thêm thường được coi là lựa chọn cá nhân bổ sung cho giáo dục công lập, và chính phủ thường tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục công chất lượng cao thay vì cấm việc lựa chọn các cơ sở giáo dục tư nhân hay học thêm, dạy thêm ngoài trường.
Trong khi bất bình đẳng giáo dục là một mối quan tâm trong ngành công nghiệp dạy thêm các chính phủ phương Tây thường giải quyết nó thông qua các chính sách nhằm cải thiện giáo dục công lập, cung cấp học bổng hoặc các chương trình dạy thêm miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay học lực kém.
Ở Đức, dạy thêm, học thêm là điều phổ biến, đặc biệt đối với học sinh chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp phổ thông Abitur.
Khoảng một nửa số học sinh được dạy kèm riêng tại một thời điểm nào đó trong suốt quá trình học tập, theo nghiên cứu của nhóm tác giả Hille, Spieß, & Staneva đăng trên Tạp chí DIW Economic Bulletin. Chính phủ không cấm nhưng đưa ra các quy định để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục.
Ở Mỹ, ngành công nghiệp dạy thêm tư nhân rất lớn, đặc biệt khi chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển sinh đại học như SAT và ACT.