Có tín hiệu tích cực
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2022, nhờ Hiệp định UKFTA, Việt Nam đã xuất được khoảng 20,9 triệu USD rau quả vào Anh, tăng 8% so với năm 2021. Đặc biệt, kim ngạch này so với toàn châu Âu chiếm khoảng 10%. Riêng 6 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 11,48 triệu USD sang Anh, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2022.
“Nhờ có UKVFTA ký với Anh đã giúp cho ngành rau quả tăng xuất khẩu, tuy số lượng tăng kim ngạch không nhiều nhưng tỷ lệ tăng như vậy là khá cao”- ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá.
Hiện nay, một số mặt hàng rau quả Việt Nam hiện diện trên các kệ siêu thị, chợ rau quả của Anh cho thấy trình độ sản xuất trồng trọt rau quả của nước ta càng ngày càng phát triển và tiến bộ về chất lượng. Theo ông Nguyên, đây là tín hiệu đáng mừng. Bởi Vương quốc Anh nói riêng và châu Âu nói chung là một trong những thị trường rất khắt khe về vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thị phần tại Anh đối với hàng hoá nói chung và rau quả Việt Nam nói riêng vẫn còn rất khiêm tốn.
Nguyên nhân là do chúng ta còn thiếu thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp cho các ngành hàng rau quả. Ngoài ra, còn thiếu những kênh phân phối hàng rau quả do người Việt làm chủ. Mặt khác, một số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này nhưng lại lấy thương hiệu của Anh hay nước khác khi tiêu thụ làm cho thương hiệu của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, thị phần rau quả của Việt Nam tại Anh chưa mạnh là do thiếu thương hiệu có sức mạnh, tức là nhận diện thương hiệu còn thấp vì chúng ta chưa có những doanh nghiệp có tiềm lực sản xuất lớn, uy tín tham gia vào thị trường khó tính này. Hơn nữa, hàng rau quả sản xuất chất lượng không ổn định, ảnh hưởng đến vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Anh. Do đó, bài toán xây dựng thương hiệu hàng Việt tại thị trường Anh đang là vấn đề rất cấp thiết, được các ngành hàng, doanh nghiệp hết sức trăn trở.
Phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh
Muốn tiếp cận thị trường Anh nói riêng và thị trường châu Âu nói chung, ông Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phải đáp ứng được 4 tiêu chuẩn xanh (môi trường, khí hậu), sạch (đảm bảo tiêu chuẩn MRL – chất tồn dư trong sản phẩm không được quá giới hạn theo thị trường Anh quy định), đẹp (mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc tốt). Ngoài ra, để hấp dẫn người mua, sản phẩm phải ngon.
Cụ thể, theo lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng được các vùng trồng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu sang Anh, ít nhất phải có vùng trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, chúng ta cũng phải cải tiến giống cây trồng phù hợp để cho ra sản phẩm đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của Anh. Công nghệ chế biến, bảo quản đóng gói của doanh nghiệp phải được nâng cao như trình độ tiên tiến của thế giới. Có như vậy mới đưa được sản phẩm của Việt Nam đi bằng tàu biển tới thị trường Anh nhằm hạ giá thành, mới cạnh tranh được với các nước gần với thị trường Anh như châu Phi, Nam Mỹ…
Thứ hai, cần sự hỗ trợ tích cực của hệ thống Thương vụ Việt Nam nước ngoài mà ở đây là Thương vụ Việt Nam tại Anh nhằm giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường Anh, tiếp cận được người mua, các Tập đoàn, công ty lớn để có thể kết nối, hợp tác sản xuất kinh doanh; thông qua việc tổ chức các đoàn giao dịch thương mại hàng năm, các hội chợ xúc tiến thương mại ngành rau quả.
"Thương vụ Việt Nam tại Anh cần giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được các nhà đầu tư, nhập khẩu tiềm năng, lớn của Anh để cùng nhau hợp tác, phát triển vì chúng ta có Hiệp định UKVFTA nên sẽ lợi thế cạnh tranh về giá cả so với những nước không có hiệp định. Nhà nước cũng nên có chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kêu gọi doanh nghiệp FDA vốn nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào việc sản xuất, chế biến để xuất khẩu rau quả của chúng ta vào thị trường Anh, EU… Tôi nhận thấy kim ngạch của các doanh nghiệp FDI khi xuất khẩu rau quả chiếm hơn nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam. Bây giờ muốn vào thị trường Anh hiệu quả nên tăng đầu tư các doanh nghiệp FDI này để khai thác tốt lợi thế của hiệp định UKFTA”- ông Nguyên nhận định.
Về mặt chính sách, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp sản xuất được hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Anh. Do hiện những mặt hàng bán vào Anh đa số là những mặt hàng chế biến. Vì thế, các doanh nghiệp làm chế biến hiện nay rất cần vốn để thu mua nguyên liệu. Hơn thế, một sản phẩm từ lúc trồng cho đến thu hoạch đến chế biến, rồi bán, vòng vốn quay ít nhất từ 3-6 tháng, nên khi mở rộng sản xuất chế biến cần rất nhiều vốn để tăng chế biến sâu hơn.
"Vì thế, rất cần trợ lực về mặt chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá"- ông Nguyên nhấn mạnh.