Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019 với chủ đề vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững đã diễn ra sáng 26/6 tại Hà Nội. Sự kiện do Liên minh VBF phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, đại diện các bộ, ngành Trung ương.

Nhiều thủ tục phiền hà

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, VBF là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng DN nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; thuận lợi hóa môi trường đầu tư đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam. 

{keywords}
Cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập được một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu mong muốn, năng suất lao động còn thấp do những yếu tố nội tại của nền kinh tế. Từ đó, vấn đề đặt ra là phải gia tăng và tận dụng các nguồn lực, thu hút công nghệ, sẵn sàng tham gia và tận dụng thành quả, cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. 

Thời gian tới Chính phủ cùng các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động triển khai mô hình Chính phủ điện tử, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng đánh giá hàng năm của Ngân hàng Thế giới; đặc biệt là với những chỉ số còn thấp. 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập được một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn. Đặc biệt, là những sáng kiến, nỗ thúc đẩy đổi mới, mở rộng thị trường, thực hiện chính phủ điện tử...

Dù vậy, môi trường kinh doanh vẫn còn có những điểm nghẽn. Hiện có 16% DN cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN, để chính thức đi vào hoạt động, chỉ tiêu này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây.

Có tới 34% DN gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% DN gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, 29% DN gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác.

{keywords}
DN vẫn gặp khăn trong việc xin giấp phép để hoạt động. Một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, rắc rối

Phản ánh của DN trong nước, qua điều tra của VCCI cho thấy một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, cụ thể là đất đai (30%), thuế (28%) và bảo hiểm xã hội (25%). Với các DN FDI, thủ tục xuất nhập khẩu (28%), bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%), phòng cháy (22%). Đây là những lĩnh vực cần có sự quan tâm hơn của các ngành, các cấp trong thời gian tới. Đặc biệt cần sửa đổi ngay các quy định pháp lý chồng chéo, bất hợp lý liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường", ông Lộc kiến nghị.

Cộng đồng DN đề xuất cần thúc đẩy mạnh hơn các cải cách thể chế, pháp lý, tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số, để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tạo môi trường minh bạch

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức cần tiếp tục đối mặt để giải quyết. Nguyên nhân chủ yếu là năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, trình độ quản trị, năng lực kinh doanh còn kém, tính liên kết về hạn chế, pháp luật về đầu tư kinh doanh còn bất cập, chi phí vốn, logistics, chi phí thủ tục hành chính còn cao. Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp, mới đạt 140 người có 1 doanh nghiệp. 

{keywords}
Chính phủ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh, thông thoáng hơn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Chính phủ Việt Nam nhằm tránh tụt hậu và giảm khoảng cách giữa Việt Nam với các nước đang phát triển trong khu vực. Đây là những điều kiện đủ để Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng, ổn định xã hội, đảm bảo nâng cao chất lượng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính tiền tệ, phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, ưu tiên các sản phẩm xanh, đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao... 

Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp lớn. Theo đó, giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị - xã hội ổn định. Đây là nhân tố quyết định để huy động nguồn lực cho phát triển xã hội và phát triển kinh tế ổn định trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi như hiện nay. 

Ngoài ra, sẽ tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, nhắm tới tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các DN Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng nhất, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tái cấu trúc ngành năng lượng, theo hướng sạch, tái tạo, gió, mặt trời, khí thiên nhiên;  tái cấu trúc các ngành, sản phẩm và lĩnh vực kinh tế gắn với ứng phó với biến đổi khi hậu, bảo vệ môi trường. 

Chính phủ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh, thông thoáng hơn, để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí cho DN và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sản xuất. 

Trần Thủy