Thời gian gần đây, một số cán bộ được coi là có tài, có trình độ và chuyên môn cao vướng vòng lao lý khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. Kết cục của những sự việc đáng buồn trên đặt ra câu hỏi vì động cơ gì mà các cá nhân có học vấn sâu rộng lại phạm phải những sai lầm đáng tiếc đến như vậy. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, những vi phạm đó là do cơ chế như là một hệ quả của khách quan.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (2012-2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu: “Những vi phạm của các cán bộ, tướng lĩnh cấp cao trong các vụ án vừa qua là tại ai, tại cái gì? Tại cơ chế hay tại mình không chịu tu dưỡng, rèn luyện?”. Phân tích nội dung này trước hết nên đề cập một cách ngắn gọn về cơ chế và tác động của nó tới người tài.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong những thập niên gần đây, với sự thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội, việc điều hành, quản trị công đặt ra rất nhiều thách thức cho Nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Vấn đề hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách là cần thiết đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề đổi mới chính trị nói chung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nói riêng luôn có độ trễ nhất định, có những lúc chưa theo kịp và tương thích với các đòi hỏi của đời sống.

Với đặc thù văn hóa chính trị và mô hình thể chế hiện nay, những cải cách, đổi mới về mặt cơ chế, chính sách cần được tiến hành từng bước, thận trọng, và có lộ trình trên cơ sở tổng kết lý luận từ kinh nghiệm thực tiễn.

Tuy nhiên, những cải tiến, đổi mới về cơ chế, chính sách dù có ưu việt và tiến bộ đến đâu mà yếu tố con người không được đề cao thì bộ máy ấy cũng khó phát huy hết hiệu lực, hiệu quả. Những chủ thể với năng lực hạn chế, không được đào tạo đầy đủ thì cũng khó lòng khai thác được tính tích cực của hệ thống, thậm chí cản trở tiến trình đi lên của đất nước. Ngược lại, cán bộ có tài luôn là nhân tố thúc đẩy sự cải tiến những hạn chế của cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực.

Có thể khẳng định, người tài với tư duy khoa học và óc phán đoán, họ có thể hình dung ra rằng, nếu tận dụng các yếu tố “hở” của cơ chế, chính sách thì hậu quả sẽ rất tai hại khi bị phát hiện. Chính năng lực định hình ra tương lai, sức suy tưởng trước các tình huống ở viễn cảnh phía trước là đặc trưng nổi bật của người trí thức.

Do đó, sẽ là không khôn ngoan nếu thể nghiệm, hành động và ra quyết định khi có đoán biết được sẽ có những rủi ro sẽ đến. Vậy vì đâu mà những cán bộ có tài với “vốn dắt lưng” (tay nghề) đủ cho họ có cuộc sống dư giả lại có thể vi phạm pháp luật?

Sự cám dỗ, ham muốn về vật chất, tiền bạc và quyền lực quá mức là yếu tố khiến những người này “ngã ngựa”. Bản năng tự vệ và sức phản kháng trước cái xấu, bất công và sự vô lý của người trí thức, có tài bị xuyên thấu bởi các viên đạn bọc đường.

Để ngăn chặn tình trạng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng yêu cầu “mọi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, đừng vướng vào những chuyện tiêu cực, bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực”.

Tóm lại, xét đến ngọn ngành mọi sự trên đời cũng đều là vấn đề con người, do con người, vì con người. Đây là đúc kết của người đứng đầu Đảng ta trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Do đó, có thể khẳng định nguyên nhân một số cán bộ có tài vi phạm pháp luật không thể nói vì cơ chế hay vì hạn chế của bộ máy.