- Trong khi các hãng phim tư nhân liên tục công bố những con số doanh thu "khủng" của những bộ phim mới ra rạp và tỏ ra ăn nên làm ra vào tất cả các thời điểm trong năm thì các hãng phim nhà nước lại không biết sống sót bằng cách nào.

Cơ sở vật chất xuống cấp của Hãng phim truyện VN phản ánh khá chính xác thực trạng hiện any của hãng này.
Câu chuyện thực trạng thoi thóp của khu vực điện ảnh nhà nước đã được nói đến quá nhiều trong những năm qua. Tuy nhiên, vấn đề này gần đây lại được các nghệ sĩ xới lại và bàn thảo nhiều hơn bao giờ hết sau vụ việc thất thoát hàng chục tỉ đồng tại Cục Điện ảnh. Trong khi nhiều dự án làm phim bị xếp xó vì không được cấp tiền, nhiều nghệ sĩ đã bỏ các hãng nhà nước chạy đôn chạy đáo khắp nơi để làm phim, kể cả chấp nhận làm phim truyền hình kiểu mì ăn liền, cơ sở vật chất của không ít hãng phim đã xuống cấp đến mức biến dạng thì một đống tiền ở cơ quan đầu ngành là Cục Điện ảnh lại bị bốc hơi một cách khó hiểu trong suốt 3 năm.

Trong khi người ta không ngừng tranh cãi giữa phim nghệ thuật và phim thương mại, phim nhà nước với phim tư nhân, phim bán được vé với phim đắp chiếu trong khi thì cũng là lúc nhiều hãng phim nhà nước lâm vào cảnh sống dở chết dở. Chưa bao giờ các nghệ sĩ có tiếng trong điện ảnh lại cùng có chung một nhận xét gây choáng váng rằng: Điện ảnh Việt nam đã khủng hoảng đến đáy!

Nhiều nghệ sĩ cho rằng cần một liều thuốc mạnh để cứu nền điện ảnh đang xuống đến đáy.
Dường như ai cũng biết nguyên nhân dẫn đến thực trạng điện ảnh VN hiện nay nhưng hiếm khi dám nhìn thẳng vào sự thật như nhà biên kịch Lê Phương và đạo diễn Phạm Minh Trí rằng vấn đề của điện ảnh VN chính là kém tài, thiếu người tài, là con người. Tuy nhiên, để tạo ra người tài thì lại cần phải có thời gian và rất nhiều yếu tố khác. Thêm một nguyên nhân nữa dẫn đến cảnh chợ chiều của khu vực điện ảnh nhà nước VN hiện nay là sự hoạt động phân tán, mạnh ai nấy sống. Các hãng phim nhà nước cũng khó thu hút được người trẻ, người tài về với mình do thu nhập quá thấp. Do vậy, muốn nhìn thấy một sự đổi mới thật nhanh ở các hãng phim này là điều không thể, cho dù nhà nước có rót cả một đống tiền vào đó ngay lúc này.

"Điện ảnh gần đây tan rã một cách có hệ thống, nhiều người làm phim một cách cẩu thả, thậm chí quan niệm làm phim với tốc độ 2 ngày/tập mới đúng", họa sĩ Vũ Huy ngao ngán nói. "Tất cả lỗi tại điện ảnh. Nhà nước đầu tư rất nhiều cho điện ảnh nhưng các cấp quản lý thì quan liêu, nghệ sĩ thì quá chủ quan... Điện ảnh VN tồn tại với lỗi cũ kỹ, dẫn đến tình trạng hiện nay cũng không trách được. Chúng tôi làm phim, tồn tại, phát triển như thế nào thì các cấp lãnh đạo không cần biết. Nếu không đi cửa sau, lobby cho các rạp thì phim đứng ngoài vì tư nhân họ vừa nhiều tiền lại giỏi lobby. Điện ảnh VN đi hết từ sự trì trệ này sang sự trì trệ khác, số tiền dùng để chấn hưng cho ngành điện ảnh bằng âm", đạo diễn Phạm Lộc nói thẳng.

Trong khi các hãng phim tư nhân sản xuất phim liên tục và liên tiếp công chiếu những bộ phim mới vào bất cứ mùa phim nào trong năm và hầu hết đều thu tiền tỉ thì các bộ phim do các hãng nhà nước sản xuất lại rất kín tiếng, có khi cả năm không thấy xong nổi một bộ phim hoặc các dự án âm thầm được làm, được công chiếu rồi đi thẳng vào kho, nhanh đến mức chưa kịp nhận ra sự tồn tại của nó. Lý do là tiền rót cho một dự án phim quá ít, không có khoản nào dành cho việc PR. Tiền dành cho sản xuất một bộ phim lại phải cấu ra để nuôi cán bộ công nhân viên của Hãng chứ đoàn làm phim không được sử dụng hết.

ĐD Đỗ Minh Tuấn: Hãy cho chúng tôi cái sổ đỏ ở số 4 Thụy Khuê.
Những người tài từ Hãng phim truyện VN vẫn làm phim nhưng họ làm việc cho các dự án phim tư nhân với mức thù lao cao, thử sức từ phim nhựa đến phim truyền hình, trong lúc ngồi chờ có một liều thuốc kỳ diệu sẽ vực dậy địa chỉ số 4 Thụy Khuê. Nhiều tín hiệu kêu cứu đã được phát ra nhưng không có hồi âm. Theo thời gian, cơ sở vật chất của Hãng phim truyện VN đã xuống đến mức đến mức khó nhận ra đó từng là một hãng phim lớn. Nằm trên một khu đất vàng nhưng Hãng phim truyện VN giống như đang nằm trên một khu đất bỏ hoang bởi 4 Thụy Khuê hiện đang nằm trong diện quy hoạch treo.

"Chúng tôi thừa sức đi làm ở những nơi khác để kiếm sống nhưng vẫn đau đáu trở về. Số 4 Thụy Khuê giống như một ngôi chùa, là bảo tàng của điện ảnh nhưng người ta đang lăm le phá cái ngôi chùa đó đi để xây sân golf, lăm le phá cái bảo tàng đó để xây khách sạn. Ngần ấy năm không có cái số đỏ cho các bảo tàng, cho cái ngôi chùa ấy. Bao nhiêu dự án, hay đấy nhưng không được duyệt. Miếng đất này thành dự án treo. Đau lắm!... Mất số 6 Thái Văn Lung rồi, mất một cách hợp pháp. Trong ngần ấy năm, với các nghệ sĩ,  chưa bao giờ tôi cảm thấy đau đớn, nhục nhã như thế nhưng vẫn phải nhẫn nhục.

Nói thì dài lắm, nhiều lắm nhưng chúng tôi muốn đưa ra giải pháp: hãy cho chúng tôi cái sổ đỏ ở số 4 Thụy Khuê, để chúng tôi có quyền đi lấy tiền ở bất cứ đâu mà không cần xin tiền nhà nước. Chúng tôi có thể xây dựng lên chỗ đó để đấu tay bo với thị trường. Cho con đi lấy chồng thì phải có của hồi môn!. Nếu không có đất thì rõ ràng là chúng tôi trở thành kẻ vô gia cư, những kẻ lang thang mà ở đây là lang thang loại 2 - loại 3 chứ không phải loại 1", Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cay đắng nói.

NSND Lê Phương cho rằng vấn đề cốt lõi vẫn là ở con người.
Nguyên nhân thì đã được chính các nghệ sĩ tìm ra nhưng tìm ra những biện pháp thiết thực để vực dậy một hãng phim, một nền điện ảnh đã bị ăn sâu bởi tư duy xin xỏ, bao cấp đã từ lâu không còn thích ứng với cơ chế thị trường không phải là dễ. Đã có những cuộc tiếp xúc cả chính thức và không chính thức giữa lãnh đạo ngành điện ảnh, lãnh đạo Bộ VHTTDL với các nghệ sĩ điện ảnh để ghi lại ý kiến của họ. 

Cục Điện ảnh đã có lãnh đạo mới, tháng 10 này một cuộc gỡ có quy mô lớn giữa lãnh đạo Bộ VHTTDL với tất cả các nghệ sĩ điện ảnh trong cả nước cũng sẽ được tổ chức để một lần nữa nghe các nghệ sĩ hiến kế cứu nền điện ảnh VN nhưng để tìm cách thay đổi thực trạng của cả một nền điện ảnh đang đau yếu thì chắc chắn sẽ cần thời gian, với sự hỗ trợ của rất nhiều loại thuốc cực mạnh như cách ví von của một đạo diễn có tiếng.

Hạnh Phương

Ảnh: Nguyễn Hoàng