Bảo Lâm là một huyện vùng cao, biên giới nghèo của tỉnh Cao Bằng. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được tự do sinh hoạt tôn giáo, đơn cử như mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự” mới được triển khai tại xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu.
Đây là điểm nhóm tin lành của người H’Mông gồm 41 hộ với 110 tín đồ. Do xóm Nà Ca chủ yếu là đồi núi dốc, dân cư sinh sống rải rác theo từng nhóm, đường xá đi lại giữa các nhóm dân cư khó khăn nên việc thành lập điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực.
Ông Hoàng Đức Lành, một trong những tín đồ đầu tiên tham gia điểm nhóm Tin lành ở xóm Nà Ca cho biết, thời gian qua, điểm nhóm của ông luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Những buổi sinh hoạt hoặc những ngày lễ lớn của điểm nhóm, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng luôn cử đại diện xuống tham gia, hỗ trợ và tuyên truyền pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự.
“Trước đây trong xóm có một số tín đồ còn uống rượu, đánh nhau, trộm cắp, nghiện hút, nhưng nhờ sự tuyên truyền, vận động của lực lượng chức năng, sự khuyên giải của các thành viên trong điểm nhóm nên những cá nhân này đã tự giác điều chỉnh bản thân, dần dần từ bỏ thói hư, tật xấu, trở thành công dân tốt”, ông Lành chia sẻ.
Trung tá Dương Thanh Hải, Phó trưởng Công huyện Bảo Lâm, cho biết, việc ra mắt “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự” tại xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu cho thấy việc cụ thể hóa quyền làm chủ của quần chúng nhân trong việc đảm bảo an ninh trật tự.
“Thông qua mô hình này, quần chúng nhân dân và chức sắc trong điểm nhóm trực tiếp tham gia vào công tác đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở, đảm bảo các vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở, không để sự việc phức tạp hơn, hướng tới đưa điểm nhóm này trở thành điểm nhóm an toàn lành mạnh về an ninh trật tự, không xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự”, Trung tá Hải chia sẻ.
Việc thành lập các điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự là một trong những mô hình đang được tỉnh Cao Bằng tích cực nhân rộng. Song song với việc thành lập các điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự, Cao Bằng cũng đẩy mạnh việc thành lập, duy trì và phát huy vai trò mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” tại các xóm, xã vùng biên để góp phần vào công cuộc xây dựng và đảm bảo bình yên nơi biên cương Tổ quốc.
Với chiều dài hơn 330km đường biên qua địa bàn 7 huyện, hiện nay, Cao Bằng đã thành lập được hơn 150 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới tại các xóm biên giới và gần 400 Tổ tự quản an ninh. Thực tế, qua các hoạt động lao động sản xuất, người dân vùng biên đã cung cấp cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nhiều thông tin giá trị để kịp thời xử lý.
Đặc biệt là những thôn, xóm vùng cao hẻo lánh, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, việc thành lập các tổ tự quản giúp lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt được thông tin, tình hình tại cơ sở, kịp thời có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi trái với quy định của pháp luật và các nguy cơ mất an ninh trật tự khác.
Việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều nội dung và hình thức không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn có thể khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong công cuộc giữ gìn an ninh nơi biên giới, vùng sâu vùng xa.
Chính vì thế, chính quyền tỉnh Cao bằng xác định, trong thời gian tới, các tổ tự quản sẽ là một trong những nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để mỗi người dân, mỗi thôn xóm là một cánh vững chắc cùng chung tay với chính quyền địa phương trong công cuộc bảo đảm an ninh biên giới nói riêng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.