Hội thảo “Chấn hưng văn hóa-Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” vừa diễn ra vào ngày 3/12 tại Hà Nội, khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.

Đây là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban tổ chức 248) thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 về việc xây dựng văn hóa kinh doanh thành hệ điều tiết phát triển kinh tế-xã hội.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thiết thực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, tích cực phối hợp với các Ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương để tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa quan trọng.

Quang cảnh buổi hội thảo

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp được xem như “trái tim của nền kinh tế”, đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng.

Trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người là “trái tim, khối óc” của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng. Chính vì vậy, cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới, mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hoá Việt Nam.

Nhằm phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI năm 2014 đã xác định nhiệm vụ: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh” trong công cuộc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh, nhận thức một cách sâu sắc các quan điểm đường lối của Đảng, hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấy trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp. Bởi lẽ, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Văn hóa  doanh nghiệp được cụ thể hóa trong sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Có thể nói, chính chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá, mà còn biết tuân thủ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường... Các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định đúng triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, nâng tầm trong các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, từ đó tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững" - Bộ trưởng khẳng định.

Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, phối hợp với Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... để đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Các cộng đồng doanh nghiệp cũng đã tích cực hưởng ứng xây dựng.

Đáng chú ý là, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ban hành, triển khai rộng rãi Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam với 5 nhóm tiêu chí, 40 chỉ số đánh giá đo lường, đây là công cụ hữu hiệu để bình xét các doanh nghiệp đạt chuẩn. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã nghiêm túc hoạt động theo chỉ tiêu này để xây dựng doanh nghiệp mình ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp đã tập trung vào các công việc mang tính nhân văn như: công tác đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp trong xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Khái quát lại, chúng ta có thể thấy, những thành quả mà doanh nghiệp đóng góp cho đất nước của chúng ta rất to lớn và đáng tự hào.

Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh văn hóa mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đan xen, phải chịu những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cốt lõi.

Văn Lợi, Bích Thủy, Xuân Ngọc