Nhóm áp dụng chế độ ăn uống dựa trên thực vật trong 18 tháng giảm 14% lượng mỡ nội tạng, so với 4,5% ở nhóm theo chế độ ăn lành mạnh tiêu chuẩn. Mỡ nội tạng bao quanh các cơ quan bên trong bụng khiến một người có bụng bia hoặc thân hình quả táo.

Loại mỡ này nguy hiểm vì giải phóng các hóa chất và kích thích tố vào máu gây viêm, liên quan đến các bệnh mạn tính như bệnh tim, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, chứng mất trí nhớ và tử vong sớm.

Chế độ ăn "Địa Trung Hải xanh" (ngoài cùng bên phải) giúp giảm mỡ nội tạng hiệu quả

Theo Daily Mail, chế độ ăn Địa Trung Hải - giàu chất béo và protein nhưng ít carbohydrate - đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Rất nghiên cứu cho thấy lợi ích của chế độ ăn này đối với tuổi thọ, giảm sự yếu ớt và ngăn ngừa ung thư.

Chế độ ăn Địa Trung Hải “xanh” vẫn gồm các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, dầu ô liu, các loại hạt và cá - nhưng chú trọng nhiều hơn vào rau xanh.

Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu bỏ thịt đỏ, thịt gia cầm và uống 3-4 tách trà xanh cùng sinh tố rau mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu tin rằng polyphenol - hợp chất thực vật bảo vệ mô cơ thể chống lại căng thẳng - giúp đốt cháy chất béo. 

Tiến sĩ Hila Zelicha, chuyên gia về béo phì tại Đại học Ben-Gurion ở Israel đánh giá: “Giảm 14% mỡ nội tạng là một kết quả ấn tượng khi thực hiện những thay đổi đơn giản đối với chế độ ăn uống và lối sống của bạn”. 

Nhiều chuyên gia nhận định giảm chất béo nội tạng là mục tiêu thực sự của việc giảm cân và là chỉ số chuẩn xác để đánh giá sức khỏe. 

Chế độ ăn "Địa Trung Hải xanh" tập trung nhiều vào các loại rau. Ảnh minh họa: Sci

Nghiên cứu - được công bố trên tạp chí BMC Medicine - đã xem xét 294 người trưởng thành trung bình 50 tuổi, đa số là nam giới và có chỉ số BMI là 31, xếp vào nhóm béo phì. 

Nhóm đầu áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải nguyên bản. Nhóm thứ 2 theo phiên bản xanh với nhiều rau hơn. Cả hai đều hạn chế về lượng calo, 1.400 calo/ngày đối với phụ nữ và 1.800 calo/ngày đối với nam giới. Họ ăn ít hơn 40g carbohydrate/ngày trong hai tháng đầu tiên, sau đó tăng lên 80g.

Trong nhóm thứ ba, những người tham gia ăn uống lành mạnh nhưng không hạn chế lượng calo nghiêm ngặt. 

Tất cả được yêu cầu tập thể dục và rèn luyện sức đề kháng 3-4 lần/tuần trong 45 đến 60 phút. 

Kết quả ghi nhận, thành viên nhóm 1 giảm 2,7% trọng lượng cơ thể và 4,7% vòng eo. 

Nhóm 2 ăn kiêng “xanh”, người tham gia giảm lần lượt 3,9% và 5,7%. 

Nhóm 3 giảm lần lượt 0,4% và 4,6%. 

Theo Tiến sĩ Zelicha, sự khác biệt về mỡ nội tạng là điều đáng chú ý: “Giảm cân chỉ có ý nghĩa nếu đi kèm với kết quả ấn tượng trong việc giảm mô mỡ”. 

Giáo sư Iris Shai, chuyên gia dinh dưỡng đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Từ kết quả thí nghiệm, chúng tôi ghi nhận, chất lượng thực phẩm không kém phần quan trọng so với lượng calo tiêu thụ”.

Các nhà khoa học cho rằng việc giảm mỡ nội tạng cao hơn trong nhóm ăn kiêng “xanh” do chế độ ăn uống của họ có nhiều polyphenol hơn.

Mức độ của các hợp chất thực vật này ở nhóm 2 cao hơn so với các nhóm khác. Do đó, các thành viên nhóm 2 cần đốt cháy nhiều năng lượng để tiêu hóa, dẫn đến giảm cân.