Ngày 27/11, nêu ý kiến thảo luận tại hội trường để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, nhiều Đại biểu Quốc hội dành thời gian phân tích quy định áp dụng biện pháp hành chính như cắt điện, nước đối với công trình vi phạm PCCC, trật tự xây dựng.

Đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) đề nghị cân nhắc đưa vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi quy định cắt điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đã xử phạt hành chính.

202310302116072380 trang a duong.jpg
Đại biểu Tráng A Dương.

Theo ông Dương, đây là một trong những nội dung gây tranh cãi khi xây dựng Luật Thủ đô. “Điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân. Việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc và thận trọng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên”, ông Dương nói.

Ngoài ra, theo đại biểu Dương, đây là mối quan hệ pháp luật hành chính. Do vậy, việc sử dụng biện pháp dân sự để giải quyết quan hệ pháp luật hành chính là can thiệp không phù hợp với quan hệ của pháp luật dân sự và cũng không đảm bảo tính nhân văn trong nhiều trường hợp áp dụng, ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi và lợi ích.

“Vì vậy, tôi cho rằng không nên quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh sai phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng và phòng cháy chữa cháy”, ông Dương nêu quan điểm.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, chỉ nên cắt điện, nước đối với một số lĩnh vi phạm và với cơ sở đã bị lập biên bản hoặc xử phạt rồi nhưng vẫn tiếp tục vi phạm mà không chịu khắc phục.

“Xuất phát từ vị trí, vai trò của Thủ đô, tập trung một lượng rất lớn cư dân và khách du lịch, cho nên yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, trong đó có bảo đảm an ninh sức khỏe, tài sản, tính mạng con người đặt ra yêu cầu rất cao”, ông Tô Văn Tám nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu lo ngại, nếu cắt điện nước cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm có thể xảy ra tình trạng lao động được dồn sang nhà xưởng khác cùng khu vực để làm việc. Lúc đó sẽ xảy ra tình trạng quá tải cho một số khu vực, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Trường hợp cắt điện, nước toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh, thì rất có thể phát sinh tình trạng câu điện lậu, câu điện trái phép, nguy cơ cháy nổ lại hiện hữu”, đại biểu đoàn Tra Vinh nói.

202311081329248790 dsc 6300.jpg
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.

Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Tư pháp cho biết, biện pháp ngăn chặn, không phải là biện pháp xử lý. Theo ông, trong dự thảo luật cũng đã khu trú công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm.

“Biện pháp này cũng được khu trú tương đối kỹ lĩnh vực, đấy là đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy”, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói thêm.