Thị trường chứng khoán bị bán tháo kể từ khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản vào hôm thứ Tư (4/5) vừa qua, trong đó cổ phiếu công nghệ là danh mục chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Những năm gần đây, nhà đầu tư thường ít quan tâm hơn tới những yếu tố thúc đẩy kinh doanh trong thị trường giá lên. Thay vào đó, họ đã hướng dòng tiền vào những lĩnh vực an toàn hơn của thị trường, chẳng hạn như các công ty sản xuất tiêu dùng thiết yếu.
Apple, công ty đại chúng vốn hoá lớn nhất thế giới, đã mất 220 tỷ USD kể từ sau phiên giao dịch ngày 4/5, ngày mà chủ tịch FED Jerome Powell thông báo rằng lạm phát đang quá cao và ngân hàng trung ương chưa xem xét tăng lãi suất quá 0,50%.
Ban đầu thị trường đã phản ứng tích cực với bình luận của lãnh đạo FED, nhưng sự lạc quan nhanh chóng tan biến trong những ngày giao dịch sau đó. Cổ phiếu giảm sâu hơn vào thứ Năm, tiếp tục xuống tiếp vào ngày thứ Sáu và vẫn đang dò đáy trong ngày thứ Hai (9/5) vừa qua.
Chỉ số S&P 500 giảm xuống dưới 4.000 điểm vào đầu tuần, đánh dấu mức giảm 7% kể từ phiên giao dịch ngày 4/5. Trong khi đó, quỹ đầu tư Invesco Nasdaq 100 ETF mất tới 10% trong cùng giai đoạn này. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,99%, mất hơn 12% so với đỉnh 52 tuần. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 4,29%, mất 27% so với đỉnh gần nhất.
Một số các ông lớn công nghệ bị thiệt hại trong các phiên giao dịch vừa qua gồm Microsoft: 189 tỷ USD, Tesla: 199 tỷ USD, Amazon: 173 tỷ USD, Alphabet: 123 tỷ USD, Nvidia: 85 tỷ USD, Meta (công ty mẹ Facebook): 70 tỷ USD.
“Tâm lý thị trường đã chuyển sang xu hướng giảm (bearish) trong vài tháng qua, và cho thấy khó có khả năng phục hồi sau tuần vừa rồi. Thị trường hiện tại đã trong sự kiểm soát của phe bán”, Adam Sarhan, người sáng lập và giám đốc công ty đầu tư 50 Park Investments cho biết.
Vinh Ngô (theo CNBC)