Diễn biến tích cực
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) đã có một phiên diễn biến tích cực với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt hơn 500 điểm và nhanh chóng vượt ngưỡng 25.000 điểm lần đầu tiên từ đầu tháng 3/2020.
Các chỉ số tầm rộng S&P 500 và công nghệ Nasdaq Composite đều tăng điểm cho thấy kỳ vọng của giới đầu tư vào triển vọng nền kinh tế Mỹ là sáng sủa sau khi các bang của nước này bắt đầu mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại và một loạt vaccine ngừa Covid-19 có tiềm năng xuất hiện.
Một điểm đáng chú ý là chỉ số tầm rộng S&P 500 đã có lúc vượt mức trung bình động 200 ngày, một tín hiệu về xu hướng tích cực trong dài hạn, chuyển từ một chuỗi ngày giảm giá sang một xu hướng tăng.
Một tín hiệu tích cực khác là giá dầu tiếp tục khởi sắc. Giá dầu WTI giao tháng 7 đêm qua tăng vọt hơn 3% lên trên 34 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 7 cũng tăng nhanh lên trên 36 USD/thùng.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trở lại. |
Trong tuần trước, giá dầu thế giới đã chứng kiến tuần tăng thứ 4 liên tiếp bất chấp giới đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng như những xung đột mới giữa Washington và Bắc Kinh.i.
Tuy nhiên, cú sụt giảm của giá dầu trong những tháng đầu năm 2020 (có lúc xuống mức âm trong tuần gần cuối tháng 4 vừa qua) đã khiến một ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ bị đe dọa, hàng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác dầu khí Mỹ đứng bên bờ vực phá sản.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trở lại chủ yếu là nhờ những tín hiệu tích cực đến từ sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Mỹ và triển vọng của một loạt các vaccine ngừa Covid-19.
Theo Reuters, Công ty công nghệ sinh học của Mỹ Novavax vừa cho biết, doanh nghiệp này đã thử nghiệm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 trên người ở Australia và sẽ có kết quả giai đoạn 1 trong tháng 7, trước khi các thử nghiệm giai đoạn 2 ở một số quốc gia, trong đó có Mỹ.
Giới đầu tư còn lạc quan với chứng khoán Mỹ sau khi đồng minh quan trọng nhất của Mỹ là Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp cho 5 thành phố/tỉnh còn lại, bao gồm Tokyo, đồng thời bơm thêm một lượng tiền lớn để vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Các quyết định này dẫn tới cú tăng khá ấn tượng của chứng khoán khu vực châu Á.
Giá dầu tăng mạnh trở lại |
Donald Trump toan tính mới với Trung Quốc
Nhiều số liệu vừa công bố cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ dường như đã chạm đáy sau cuộc khủng hoảng Covid. Chỉ số đo lường niềm tin người tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5 đã tăng vọt lên mức 86,6 điểm, so với mức 85,7 điểm trong tháng trước. Con số này cũng cao hơn so với con số dự báo 82,3 điểm theo thăm dò của Dow Jones.
Theo CNBC, doanh số bán nhà ở mới cho hộ gia đình Mỹ cũng tăng mạnh 623.000 trong tháng 4, cao hơn so với dự báo 490.000 nhà.
Những diễn biến tích cực của chứng khoán và kinh tế Mỹ là tín hiệu tốt đối với chính quyền ông Donald Trump.
Trên Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump vui mừng với việc chứng khoán Mỹ tăng mạnh trở lại và cho rằng việc các bang mở cửa trở lại càng sớm càng tốt. Theo ông Trump, nước Mỹ lại bắt đầu quá trình vĩ đại trở lại và năm tới sẽ là một trong những năm tốt đẹp nhất (của nước Mỹ).
Trước đó, chính quyền ông Trump đã liên tục có những cáo buộc Trung Quốc về đại dịch Covid-19 và tuyên bố sẽ có những biện pháp trả đũa Bắc Kinh. Đây là nguyên nhân khiến quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng, giờ càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Không những thế, thông tin Trung Quốc sẽ thông qua luật an ninh đối với đặc khu kinh tế Hong Kong cũng có thể góp phần làm cho quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ hơn. Hiện tại Mỹ đang áp dụng các ưu đãi đặc biệt cho đặc khu này, nhưng cũng có thể rút bất cứ lúc nào. Và Washington sẽ chào đón bất kỳ doanh nghiệp Mỹ dời các cơ sở sản xuất từ Hong Kong hay Trung Quốc đại lục trở về Mỹ.
Mỹ-Trung căng thăng trở lại. |
Đại dịch Covid-19 đã khiến toàn cầu rơi vào khó khăn. Trung Quốc là một trong những nước sớm thoát ra khỏi đại dịch. Tuy nhiên, ảnh hưởng đối với nền kinh tế số 2 thế giới là rất lớn. Chính phủ nước này thậm chí sẽ không đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020, và cam kết chi nhiều hơn để sửa chữa những thiệt hại kinh tế vì dịch Covid-19.
Nhưng không chỉ kinh tế, Trung Quốc đang đối mặt với một làn sóng tẩy chay trên phạm vi toàn cầu. Hàng loạt nước cáo buộc Bắc Kinh chậm trễ trong việc xử lý, cũng như che giấu những thông tin liên quan tới dịch và khiến cho thế giới phải hứng chịu thảm họa. Mẫu thuẫn Mỹ-Trung do vậy đã nóng rực trở lại. Hong Kong đang là một vấn đề nóng, thu hút dư luận ra khỏi những khó khăn hiện tại của chính quyền Bắc Kinh.
M. Hà