LTS: Sự phát triển vũ bão của công nghệ số đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin. Trong xu hướng chuyển dịch mọi hoạt động lên môi trường số, độc giả ngày càng ưu tiên các nền tảng điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động, thay vì báo in, truyền hình, truyền thanh truyền thống. Thay đổi này đã và đang đặt ra thách thức vô cùng lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải không ngừng chạy đua, đầu tư vào công nghệ, xây dựng các sản phẩm theo hướng đa phương tiện, tập trung nhiều vào tương tác với người dùng. 

Bên cạnh đó, việc quản lý báo chí cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới với công nghệ đóng vai trò then chốt. Trong năm 2024, các cơ quan quản lý đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với những thách thức như tin giả, thông tin xấu độc và sự bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.

Nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2024, báo VietNamNet khởi đăng loạt bài "Báo chí song hành cùng công nghệ".

Thói quen hấp thụ tin tức của độc giả đang thay đổi từ việc chỉ tiếp nhận nội dung qua các loại hình báo chí truyền thống như báo in, truyền hình và phát thanh sang đẩy mạnh các hình thức thu thập thông tin trực tuyến qua báo điện tử, các ứng dụng hoặc nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat, Youtube, WhatsApp, Twitter, TikTok, Telegram, LinkedIn,…

bao chi chuyen doi so.jpg
Ảnh minh họa: whatsnewinpublishing

Ở giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã khai thác triệt để các nền tảng công nghệ mới để tiếp tục tồn tại, duy trì vị trí cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của họ trước những thách thức và đòi hỏi ngày càng cao của thời đại mới.

Bước chuyển mình của báo chí Anh

Giới phân tích chỉ ra rằng, về cơ bản, các tòa soạn và cơ quan truyền thông đang tăng cường sản xuất các nội dung đa phương tiện với hình thức trực quan hấp dẫn, tích hợp cả các chương trình phát thanh podcast và video ngắn để tiếp cận độc giả trẻ và tăng thời gian tương tác. Họ cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa các nhiệm vụ biên tập cũng như cải thiện chất lượng và tốc độ phân phối tin tức. Nhiều báo đã chuyển sang mô hình thu phí kết hợp quảng cáo thông minh, tạo nguồn thu ổn định hơn.

Hai tờ báo “anh em” The Times và The Sunday Times của Anh là một ví dụ tiêu biểu. Ngoài việc duy trì phát hành ấn phẩm in truyền thống, họ đã chú trọng phát triển mạnh các chương trình podcast độc quyền như “Stories of Our Times” để kể những câu chuyện quan trọng dưới dạng âm thanh, đồng thời mở rộng sản xuất video để giải thích các vấn đề phức tạp và thu hút độc giả trẻ, những người ít đọc báo giấy và yêu thích các định dạng truyền thông mới.

Hai tờ báo sử dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn để phân tích thói quen đọc của người dùng, từ đó cải thiện việc gợi ý nội dung và tối ưu hóa trải nghiệm cá nhân. Ứng dụng The Times & The Sunday Times cập nhật các bài báo trực tuyến hàng ngày, cá nhân hóa nội dung dựa trên sở thích đọc của người dùng và cho phép tải nội dung xuống để đọc ngoại tuyến.

Trong khi đó, nền tảng phát thanh kỹ thuật số The Times Radio mang đến các chương trình tin tức, phân tích và bình luận chính trị với nội dung độc quyền từ các nhà báo và chuyên gia của The Times. Người dùng có thể truy cập Times Radio qua ứng dụng di động, website và cả loa thông minh như Amazon Alexa. Với các độc giả yêu thích giải đố, đặc biệt là trò chơi ô chữ cổ điển của The Times, ứng dụng Times Crossword là một lựa chọn phù hợp.

bao Anh chuyen doi so The Times.jpg
Ảnh: The Times

The Times và The Sunday Times cũng tối ưu hóa việc phân phối nội dung qua email và các mạng xã hội để giúp độc giả dễ dàng truy cập vào những nội dung có giá trị. Hai báo còn áp dụng chương trình The Times+ Membership đặc quyền dành cho các độc giả đăng ký trả phí dài hạn, mang đến cho họ quyền truy cập vào sự kiện độc quyền, ưu đãi từ đối tác và các bản tin đặc biệt.

Với tạp chí Financial Times, ứng dụng AI giúp tạp chí sản xuất tin tức nhanh chóng hơn, đặc biệt trong việc tổng hợp dữ liệu tài chính và tạo ra báo cáo tự động. Financial Times đã phát triển các công cụ theo dõi hành vi người dùng trực tuyến để cá nhân hóa trải nghiệm đọc, qua đó tăng tỷ lệ độc giả đăng ký. Sản phẩm FT Edit cung cấp nội dung chọn lọc, thử nghiệm với các ý tưởng mới để thu hút nhóm độc giả trẻ.

Nhằm tăng nguồn thu trong bối cảnh chịu áp lực lớn về doanh thu quảng cáo, Financial Times đã triển khai mô hình thu phí, chỉ cho phép độc giả không đăng ký đọc miễn phí 10 bài viết/tháng. Để tiếp cận được nhiều nội dung hơn, độc giả cần phải đăng ký trả phí theo các gói sẵn có.

Đột phá chuyển đổi số của truyền thông Pháp

Tương tự, các báo lớn của Pháp đã mạnh tay đầu tư vào các nền tảng số. Đối với các dịch vụ trực tuyến, hai tờ báo Le Monde và Le Figaro đều sử dụng AI và công nghệ dữ liệu lớn để phân tích hành vi đọc của độc giả, từ đó tạo ra các nội dung đa phương tiện và gợi ý bài viết phù hợp với từng người dùng, cải thiện chiến dịch quảng cáo và phân phối nội dung. Họ cũng tối ưu hóa trải nghiệm trên thiết bị di động, cho phép người dùng truy cập nhanh các tin tức nổi bật, video và podcast. 

Ứng dụng Figaro Live phát trực tiếp các chương trình video về tin tức, phân tích và sự kiện để thu hút khán giả trẻ, trong khi phiên bản Le Monde Afrique nhằm mở rộng thị trường sang các quốc gia sử dụng tiếng Pháp tại châu Phi. 

Le Monde và Le Figaro cũng ký kết thỏa thuận với Google và Facebook để tăng cường hiển thị nội dung trên các nền tảng số và được chia doanh thu cho việc sử dụng những nội dung do họ sản xuất. 

Nhờ các nỗ lực trên, trong năm 2023, Le Monde đạt hơn 400.000 thuê bao trả phí trực tuyến và đặt mục tiêu 1 triệu thuê bao vào năm 2025, trong khi Le Figaro tăng tới 45% số lượng thuê bao kỹ thuật số trả phí. Nhiều cơ quan truyền thông khác như Libération, Mediapart hay 20 Minutes cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về số độc giả đăng ký trả phí trực tuyến nhờ nội dung chuyên sâu và các chiến dịch số hóa sáng tạo.

Sức mạnh số hóa của báo chí Mỹ

Đối mặt với hiện tượng sụt giảm độc giả, số lượng phát hành và doanh thu từ quảng cáo của báo in trong thời đại số, hàng loạt tờ báo tên tuổi của Mỹ như New York Times, The Wall Street Journal, Washington Post… đã buộc phải nhanh chóng thích ứng. Việc tích hợp các định dạng nội dung đa phương tiện, phong phú về tương tác và hình ảnh vào các bài viết trực tuyến cũng như tăng cường sử dụng AI trong phân tích dữ liệu độc giả, tối ưu hóa nội dung thông tin và quảng trên các nền tảng số đã trở nên phổ biến.

Ví dụ, để mở rộng các đối tượng độc giả, ngoài các bài báo chất lượng cao, New York Times đã tận dụng các công cụ mạng xã hội như Snapchat Discover, Facebook Instant Articles và thậm chí cả các ứng dụng nhắn tin như WeChat để tiếp cận độc giả toàn cầu hiệu quả hơn. Báo cũng cho ra mắt nhiều ứng dụng trực tuyến hấp dẫn như NYT Cooking cung cấp công thức và cách nấu nướng cho những người đam mê ẩm thực, tính năng trò chơi Wordle và podcast The Daily, thu hút hàng triệu người dùng và thúc đẩy doanh thu từ mô hình đăng ký trả phí.

New York Times.jpg
Tổng doanh thu từ các nguồn khác nhau của báo New York Times qua các năm. Nguồn: Visualcapitalist

New York Times cũng phát triển một nền tảng quảng cáo gốc có tên T Brand Studio để sáng tạo những nội dung được trả phí cho các thương hiệu, sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR), tăng cường thực tế ảo (AR) và video 360 độ để làm phong phú thêm câu chuyện. Ngoài ra, báo còn thu phí từ việc cấp phép nội dung trực tuyến của họ cho các ấn phẩm, trang web và các phương tiện truyền thông khác.

Theo báo cáo thống kê thường niên của New York Times, kể từ khi triển khai “bức tường phí” trực tuyến vào năm 2011, tổng doanh thu của báo liên tục tăng và hiện đạt hơn 2 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ thuê bao trực tuyến chiếm tỉ lệ cao nhất tới 42%, doanh thu quảng cáo từ các nền tảng trực tuyến và báo in chiếm 23%.