Ngày 1/7 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi hàng loạt điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ trong những nghị định đầu tiên thuộc 50 nghị định về điều kiện kinh doanh vừa được Chính phủ ban hành.

Đây là những động thái quyết liệt của Chính phủ nhằm cởi trói cho doanh nghiệp trước thềm hội nhập sắp tới, mà quá trình khu vực hóa kinh tế đã diễn ra mạnh mẽ với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm vừa qua. 

Hội nhập mở ra những cơ hội lớn, nhưng như nhận định của bà Phạm Chi Lan, Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), "Đừng nghĩ chỉ có cơ hội, chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn". Còn đó những rào cản mà Chính phủ cũng như các địa phương, doanh nghiệp sẽ phải vượt qua để hiện thực hóa quyết tâm cải cách.

{keywords}

Doanh nghiệp đến tìm hiểu và đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Ảnh: Quốc Hùng/TBKTSG

Rào cản chính sách

Thách thức đầu tiên là hạn chế trong chính sách tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) qua các năm, kể từ năm 2007 khi chúng ta gia nhập WTO cho đến cuối 2015, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam chỉ cải thiện từ vị trí 104/175 quốc gia được khảo sát lên 93/189 quốc gia được khảo sát.

Trong hai năm gần đây, Việt Nam có cải thiện được 5/10 tiêu chí, trong đó, dù đã có cải thiện, nhưng các lĩnh vực Nộp thuế và Xử lý khi mất khả năng thanh toán, Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ vẫn bị đánh giá rất thấp (lần lượt là 168, 123 và 122/189 quốc gia được khảo sát). Năm mặt còn lại trong 10 tiêu chí (cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng) vẫn đứng yên ở mức thấp hoặc tụt hạng..

Cũng theo nhận định của bà Lan[1], nguyên nhân chính là do thiếu đồng bộ trong việc triển khai giữa các bộ, ngành và địa phương. Từ 2013 đến nay, Chính phủ đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo với các chỉ thị rõ ràng cho các ban, ngành và địa phương phải tạo ra các chính sách và cơ chế thuận lợi cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, đến cuối năm, chỉ vài bộ, ngành và địa phương có Báo cáo về các hành động giúp thúc đẩy môi trường kinh doanh, trong đó có rất nhiều báo cáo sơ sài.

Phân cấp chưa rạch ròi

Thực tiễn xây dựng và triển khai chính sách ở Việt Nam cho thấy tồn tại cách tiếp cận từ “giữa ra”, bên cạnh hai cách tiếp cận thường được viện dẫn là từ trên xuống (top-down) và từ dưới lên (bottom-up). Cụ thể là đội ngũ cán bộ làm chính sách ở cấp trung gian đóng vai trò quan trọng trong tất cả các khâu từ ý tưởng, hoạch định, tới triển khai và thực thi chính sách.

Trong nhiều trường hợp, đây là đối tượng quyết định tới sự thành công của chính sách. Chính vì vậy, việc xây dựng liên kết theo chiều dọc (từ Trung ương xuống địa phương) và theo chiều ngang (giữa các ban ngành) là vấn đề cấp thiết đối với sự hình thành các chính sách cần sự phối hợp mạnh mẽ và thực tiễn, chẳng hạn tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho hội nhập kinh tế.

Sự quan liêu trong quản lý hành chính cũng làm cho môi trường kinh doanh khó khăn hơn cho các doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, tại Việt Nam có rất nhiều loại thuế, phí không thể kiểm soát được. Phí và thuế chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận doanh nghiệp phải chi trả. Đây là “điều tra chuẩn xác của Ngân hàng thế giới, cũng được Bộ Tài chính đưa ra trong hội thảo gần đây”. Tiền bôi trơn cũng là một vấn đề lớn, DN làm ra 100 đồng lợi nhuận thì họ phải đóng ít nhất 0,72 đồng cho phí tham nhũng, bôi trơn.

Không chỉ làm sụt giảm tinh thần kinh doanh, các loại thuế, phí này còn vắt kiệt quỹ tài chính tái đầu tư phát triển sản xuất của DN, khiến về lâu dài, DN không thể mở rộng quy mô, cải tiến sản xuất. Các DN này sẽ bị đè bẹp khi các DN nước ngoài với số vốn lớn bắt đầu xâm nhập thị trường nội địa thông qua các cơ chế hợp tác đa phương như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)…

(Còn tiếp)

 Quỳnh Mai,Kim Duyên

Theo TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR, một điều rất quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý là tính ràng buộc của hiệp định TPP rất cao, chế tài rất nghiêm khắc. Doanh nghiệp vi phạm các điều ước trong hiệp định có thể bị phạt đến 50 triệu USD và thậm chí là bị đi tù, nên nếu bị phạt thì doanh nghiệp khó có thể quay lại thị trường.

Chưa kể, vì các quy định và chế tài nghiêm khắc, nên đôi lúc, các sai sót vô tình có thể gây ra thiệt hại trên diện rộng. Ví dụ như một nhà sản xuất có sai sót trong một khâu của quy trình sản xuất có thể gây mất uy tín cho toàn địa phương, thậm chí phải hoãn toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm để kiểm tra, đặc biệt là với các ngành nghề trong nhóm chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản.

-----

[1] Phát biểu tại một Hội nghị Chuyên đề về Hội nhập kinh tế tại Tây Ninh vào đầu 2016.