Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, điện, nước… tại đô thị phải thanh toán qua mạng. Ảnh: minh họa

Chính phủ vừa chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ, ban hành kế hoạch thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4 và hoàn thành trước tháng 12/2019. Theo đó các đại phương này phải đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ và phải hoàn thành trước tháng 12 năm 2019.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính trước quý III năm 2019 rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử.

Mới đây, Quảng Ninh đã tuyên bố tiến tới không dùng tiền mặt để thanh toán dịch vụ công. ác dịch vụ gồm: Thanh toán thương mại điện tử (Ecommerce) qua kênh Internet B@nking (dịch vụ cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nộp phí, lệ phí dịch vụ công trực tiếp từ hệ thống chính quyền điện tử tỉnh thông qua kênh Internet B@nking của Vietcombank); thanh toán QR code (dịch vụ cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng di động Mobile B@nking của Vietcombank quét mã QR để thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công); dịch vụ thanh toán thẻ (dịch vụ mà Vietcombank cung cấp các máy chấp nhận thanh toán thẻ - máy POS tại các điểm thu phí, lệ phí dịch vụ công hoặc các giải pháp thanh toán thẻ trực tuyến để thực hiện thanh toán phí dịch vụ qua thẻ).

FPT, đơn vị triển khai hệ thống Chính quyền điện tử, sẽ hỗ trợ VCB kết nối, tích hợp thành công hệ thống thanh toán của ngân hàng với hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh. Trong suốt quá trình tích hợp và triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, FPT cũng là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo chất lượng kết nối luôn đảm bảo ổn định và an toàn bảo mật.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, với hệ thống Chính quyền điện tử được FPT xây dựng đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc điều hành cũng như giải quyết các dịch vụ công từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển vượt bậc. Bổ sung thêm tính năng thanh toán trực tuyến sẽ là bước phát triển mới cho hệ thống theo đúng định hướng của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho doanh nghiệp và người dân. Qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ hành chính công, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ông Hậu cũng mong muốn sau buổi ký kết này, các đơn vị sẽ nhanh chóng hợp tác để đưa ra sản phẩm cụ thể nhanh chóng áp dụng thí điểm vào thực tiễn.

Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc khẳng định, dự án Chính quyền điện tử Quảng Ninh luôn là mối quan tâm hàng đầu của tập đoàn. FPT sẽ không ngừng đưa ra các phương án nâng cấp hệ thống ngày một hoàn thiện hơn với đầy đủ chức năng của Chính quyền điện tử và cao hơn nữa là Chính phủ điện tử. “Chúng tôi cam kết sẽ đầu tư nguồn lực chất lượng để hỗ trợ VCB và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành dự án này”, anh Ngọc phát biểu.