XEM CLIP:
Chiều 31/5, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, những tháng cuối năm 2022 đầu năm 2023 là giai đoạn rất khó khăn, vất vả của đất nước ta. Những kết quả đạt được cho thấy sự đoàn kết, chung tay của cả hệ thống chính trị.
Qua báo cáo của MTTQ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, cũng như những nhận định của các đại biểu, ông Trịnh Xuân An cảm nhận thấy những băn khoăn, lo lắng nền kinh tế đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Đồng Nai, để đưa ra nhận định, đánh giá, đặc biệt là xác định các giải pháp cần phải dựa trên những số liệu cụ thể, phải khách quan và nhất là phải có niềm tin, cơ sở để vượt qua.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, GDP quý I là 3,32%, với mức thấp như vậy, để đạt được mục tiêu 6,5% cho cả năm thì cần phải có quyết tâm và nỗ lực thật cao (mỗi quý còn lại chúng ta phải đạt 7,5%).
Nhận định doanh nghiệp đang ở giai đoạn thực sự khó khăn, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp.
Nhìn vào những con số của Ủy ban Kinh tế đưa ra vào những thống kê của VCCI, đại biểu nhận thấy, doanh nghiệp đang khát về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay về thủ tục.
Đại biểu đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất (mặc dù vẫn cao). Tuy nhiên, theo ông, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất kinh doanh.
Ông Trịnh Xuân An cho rằng, cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán. Đặc biệt cần thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”. Chính quyền cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp”, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó.
Đại biểu đoàn Đồng Nai đề nghị việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay. Đặc biệt là phải bớt những khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành. Bởi nếu thực trạng này vẫn còn thì đến khi giải quyết được doanh nghiệp đã ‘gần đất xa trời’.
Ngoài ra, ông Trịnh Xuân An còn kiến nghị xử lý dứt điểm các vướng mắc về thể chế để không gây ảnh hưởng dây chuyền sang các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong quản lý, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm phối hợp của các bộ ngành, làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý và hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, người đứng đầu.
“Không phải nội dung gì cũng phải để Thủ tướng ra công điện đôn đốc hoặc Chính phủ phải ra nghị quyết gỡ khó”, ông An nói.
Thực tế thời gian qua, việc người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng mua xăng, xếp hàng cả đêm để đăng kiểm ô tô, loay hoay với các quy định về PCCC, xếp hàng làm thủ tục xin lý lịch tư pháp, ông Trịnh Xuân An cho rằng, khâu phối hợp và trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành chưa cao, chưa quyết liệt.
“Trong quản lý, chúng tôi mong rằng có những lúc cơ quan nhà nước phải tự nhận phần khó về mình để vất vả một chút nhưng xử lý được ngay vấn đề cho người dân và doanh nghiệp mong đợi”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Ông Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cũng kiến nghị Chính phủ bỏ ngay những quy định, thủ tục hành chính không hợp lý, siết chặt quá mức với doanh nghiệp. Cùng đó, hạn chế tối đa thanh, kiểm tra và khơi thông vốn tín dụng nền kinh tế.
“Chỉ khi quyết liệt, tạo môi trường thuận lợi sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp mới phục hồi, đất nước tăng trưởng”, ông Thắng nói.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) phản ánh, số doanh nghiệp phá sản tăng, trong khi đó người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang tăng.
Đại biểu cho biết, cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Chính phủ cần kịp thời đề ra những giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả tình hình lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.