Trong đợt thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Đặc biệt là vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra, chưa được xử lý dứt điểm.

Tháng 5/2024, dự kiến Đoàn thanh tra của EC sẽ sang kiểm tra lần thứ 5 việc chống khai thác IUU. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, không gỡ được “thẻ vàng”, để bị phạt "thẻ đỏ", nước ta sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm.

Đáng nói, khi bị “thẻ đỏ”, ngành thuỷ sản Việt không chỉ mất thị phần mà sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia.

W-tau-ca.jpg
Ngư dân thay đổi nhận thức về khai thác IUU sẽ chấm dứt được các vị phạm.

Trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU nhiều lần đề cập đến vấn đề kiểm soát chặt tàu cá; các địa phương, bộ ngành, lực lượng chức năng phải đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân thay đổi nhận thức, ngăn chặn vi phạm trong khai thác hải sản trên biển, tiến tới phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về IUU, cho rằng, số tàu vi phạm vùng biển nước ngoài của chúng ta vẫn chưa đạt yêu cầu là một trong những nguyên nhân chính khiến nước ta chưa gỡ được “thẻ vàng”.

Theo ông, 28 tỉnh và thành phố ven biển cần tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của ngư dân. Đây là điều quan trọng, bởi khi ngư dân ý thức được các vấn đề chống khai thác IUU thì sẽ ngăn chặn được vi phạm. Do đó, ông mong các địa phương thấu hiểu để chia sẻ với các lực lượng chức năng và cùng nhau tháo gỡ hiệu quả.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, đề xuất cần tuyên thưởng những chủ tàu, ngư dân tiêu biểu trên biển, tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, khai thác tốt và chấp hành các quy định của pháp luật. Ngư dân, chủ tàu vi phạm thì phải xử lý nghiêm để răn đe.

Trong kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cũng nêu rõ, kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU. 

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của tàu cá tại địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, để phát hiện từ sớm từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ các tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT - nhìn nhận, công tác thực thi pháp luật thủy sản trên biển, chống khai thác IUU năm 2023 được quan tâm chỉ đạo, thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; đặc biệt là tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tuy xử lý có giảm mạnh nhưng chưa chấm dứt với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp... Thứ trưởng yêu cầu lực lượng chức năng, các địa phương khẩn trương khắc phục trong 6 tháng tới, trước khi Đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC sang Việt Nam. 

Theo Thứ trưởng, cần phát huy hơn nữa hiệu quả, kết quả của công tác phối hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và thường trực chống khai thác IUU...

“Chúng ta nhìn lại những kết quả đã đạt được trong năm qua, cùng phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là công tác chống khai thác IUU. Trên cơ sở đó, đề xuất những bài học kinh nghiệm để cùng nhau làm tốt hơn trong năm 2024, tiến tới gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

 Bạch Thị Hân, Đỗ Hồng Khanh, Nguyễn Thu Hà