Xây dựng chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân

EU là một trong những thị trường chủ lực xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Thế nhưng, đã 6 năm thuỷ sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng IUU. Sau đợt thanh tra thực tế lần thứ 3, EC đã đưa ra một loạt các khuyến nghị mà nước ta cần giải quyết dứt điểm để gỡ thẻ vàng IUU, đặc biệt là vấn đề quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc hải sản, xử lý nghiêm vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp…

Các vấn đề liên quan đến chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC cũng được đề cập tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản định kỳ theo quy định của Luật Thủy sản để có giải pháp nuôi trồng, khai thác phù hợp; điều chỉnh số lượng, cơ cấu tàu thuyền đối với một số nghề ở vùng biển phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. 

W-the-vang-iuu-8-1.jpg
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chỉ còn 1 tàu cá vi phạm cũng không gỡ được thẻ vàng.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản 2023-2030; khẩn trương phê duyệt và triển khai Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản giai đoạn 2021-2030. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh và thành lập mới các khu bảo tồn biển cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhằm đạt mục tiêu tối thiểu 6% diện tích vùng biển cần bảo tồn. 

Quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản; xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân sang các nghề khác, bảo đảm đời sống của ngư dân khi thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ ngư dân trong thời gian tạm ngừng khai thác thủy sản; xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ các khu bảo tồn biển phát triển bền vững. 

Phục hồi, tái tạo nguồn lợi cần tập trung các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, các loài bản địa, đặc hữu; xây dựng các dự án phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, tạo nơi cư trú nhân tạo. 

Kiện toàn lực lượng Kiểm ngư và thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong khai thác bất hợp pháp, giảm nhanh và tiến đến chấm dứt tình trạng này, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cạn kiệt, suy thoái tài nguyên biển.

Xử lý triệt để tàu cá vi phạm

Ủy ban Thường vụ Quốc cũng yêu cầu đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định đến năm 2025”. Tiếp tục đàm phán, ký kết, phân định vùng biển chồng lấn, vùng chưa phân định giữa Việt Nam với các nước; xác định ranh giới được phép khai thác hải sản trên các vùng biển nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân nước ta bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý trên vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực. 

Phối hợp với các nước thúc đẩy các chuỗi giá trị trong lĩnh vực kinh tế biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. 

Yêu cầu hoàn thành lắp đặt thiết bị hành trình, xử lý dứt điểm những tàu cá khi khai thác hải sản không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có giải pháp xử lý triệt để đối với tàu cá cố tình không bật thiết bị giám sát hành trình và tự ý ngắt kết nối. 

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến qua các đồn, trạm biên phòng tuyến biển, bảo đảm đủ các điều kiện tham gia hoạt động khai thác hải sản. Điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nhất là điều tra, xử lý, truy tố hình sự các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. 

Thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân đối với những trường hợp tàu cá và ngư dân đã và đang bị nước ngoài bắt giữ ở vùng nước lịch sử, các khu vực biển chồng lấn. Tiến hành truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu container. 

Tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm quy định về các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 

Tiếp tục thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi khai thác IUU và vận động EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng về hải sản đối với Việt Nam.

Trước đó, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, cho biết, giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển là mục tiêu cuối cùng. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.

Theo Bộ trưởng, nước ta hiện nay có gần 60% vi phạm về khai thác IUU vẫn chưa được xử lý. Bộ sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng. Ông cho rằng, đã đến lúc phải xử lý nghiêm vì chỉ cần một tàu cá vi phạm là không gỡ thẻ vàng IUU.

Bộ trưởng nhấn mạnh phải cấu trúc lại ngành thủy sản. Nếu không đẩy mạnh nuôi trồng, không đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn thì cứ mãi mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân.

Tâm An