Nếu không chấn chỉnh và làm sạch sẽ bộ máy này đương nhiên sẽ không thể nào ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực.
Phát biểu kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kỳ thứ 13 vào sáng 22/1,Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã phát ra một hiệu lệnh rất quan trọng. Đó là, “kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, phải thanh lọc đội ngũ, trước hết là trong những ngành, cơ quan phòng chống tham nhũng".
Thực vậy, như Tổng bí thư từng nói “Tay đã nhúng chàm không thể chống được tham nhũng!”. Để làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến đối tượng được Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước giao quyền thực thi nhiệm vụ Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, các cơ quan Điều tra, xét hỏi và Xét xử...
Nếu không chấn chỉnh và làm sạch sẽ bộ máy này đương nhiên sẽ không thể nào ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực. Và nếu vậy đây sẽ trở thành lỗi hệ thống đáng lo của bất cứ chế độ nào muốn duy trì sự tồn tại của mình.
Tôi được biết, khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm việc với ông Đinh La Thăng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về những sai phạm của nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Quốc gia giai đoạn 2006-2011, chính ông Thăng đã phải thành khẩn thừa nhận rằng: “Giá mà các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề đến như vậy”.
Nếu không chấn chỉnh và làm sạch sẽ bộ máy này đương nhiên sẽ không thể nào ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực. Ảnh minh họa |
Có một chuyện khá đau xót ngay tại chính Tập đoàn dầu khí Quốc gia (PVN), mà có thể coi như một ví dụ sinh động cho câu "đấu tranh thì tránh đâu". Khi một người dũng cảm đứng lên đấu tranh vì sự thật nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm xem xét thấu đáo thì không những chỉ là sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, họ còn cố tình tạo dựng lý do để làm lệch hướng điều tra. Họ quy tội cho người tố cáo rất nghiệt ngã là “gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của ngành dầu khí”, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp…
Đó là trường hợp kỹ sư Đỗ Văn Hải, hiện công tác tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC). Tôi được biết, ngay từ năm 2010 và 2011, anh đã bắt đầu làm đơn tố cáo những sai phạm của Chủ tịch Tập đoàn PVN. Anh Hải sau đó kiên trì gửi đơn đi nhiều nơi nhưng chẳng được ai xem xét, điều tra. Chỉ có Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì lại kết luận “nhẹ như bấc”, chỉ như “để đơn vị rút kinh nghiệm”.
Sau đó, lãnh đạo PVC đã được ai đó đạo diễn, tố ngược đến cơ quan công an về kỹ sư Đỗ Văn Hải để rồi C44 , Bộ Công an được Vụ 1A (ngày đó) của Viện Kiểm sát Tối cao phê chuẩn ngày 3/5/2011 bắt tạm giam anh Hải 3 tháng theo điều 258 của Bộ luật Hình sự.
Ở PVC ngày đó, lãnh đạo và một nhóm người nơi này nhìn anh như cái gai trước mắt họ nên cũng rất... ngứa mắt. Cũng không rõ từ khi nào, họ gọi anh bằng cái tên không hề thiện cảm “Hải kiện”. Anh đã từng mạnh dạn chỉ ra những sai phạm về kỹ thuật nghiêm trọng ở Tập đoàn dầu khí khi họ xây dựng đường ống dẫn dầu kho cảng Thị Vải vào thời gian trước đó nữa. Sự cố đã xảy ra và gây thiệt hại nhiều triệu đô la của nhà nước. Lẽ ra vụ này anh phải được khen thưởng thì ngược lại, anh đã bị nhiều vị có trách nhiệm trong đơn vị ghét bỏ, khó chịu.
Sau khi được tha vì các cơ quan pháp luật cũng không tìm ra lý do chính đáng để truy tố anh, Tổng giám đốc PVC là Vũ Đức Thuận, (bị cáo trong vụ việc vừa được xét xử với mức án 22 năm tù vừa tuyên hôm 22/1) đã cố tình ra quyết định kỷ luật anh bằng hình thức sa thải.
Trong một lần đến trình bày đơn thư tố cáo với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, anh Hải còn bị một vị lãnh đạo cấp cao của Ủy ban Kiểm tra Trung ương doạ sẽ gọi điện cho lực lượng bảo vệ và dọa sẽ gọi công an bắt nếu còn tiếp tục “ám” ông như thế.
Nói lại chuyện cũ để thấy, việc mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn bộ máy với những “công bộc” làm công tác phòng chống tham nhũng nếu muốn làm tốt nhiệm vụ ngoài cái tâm trong sáng, tính trách nhiệm cao, còn phải thật trong sạch. Không trong sạch thì làm sao thực thi công vụ một cách công tâm được.
Chỉ có như vậy, mọi công dân có trách nhiệm với đất nước mới dám trực diện đấu tranh cho lẽ phải, mới giữ được niềm tin. Có như thế mới không xảy ra những trường hợp bị trù dập kiểu như kỹ sư Đỗ Văn Hải với những năm tháng chỉ như “đá ném ao bèo”, nhận lại chỉ là những tờ thông báo, (mà thậm chí cũng chẳng có nốt) trả lời “chúng tôi đã nhận”.
Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng, sau khi Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt một số vụ án điểm gần đây thì với chỉ đạo này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bộ máy của đội ngũ những người thực thi chống tham nhũng sẽ sớm loại bỏ những ai đã từng nhúng “chàm”. Từ đó sẽ xứng đáng là lực lượng: "thanh gươm và lá chắn" thực thụ của chế độ ta. Họ sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh được giao là xử lý công minh và trừng trị những kẻ tham nhũng, những nhóm lợi ích một cách nghiêm minh theo pháp luật...
Quốc Phong
Còn những phiên toà ánh sáng lòng dân
Từ phiên toà sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm, có thể nhận ra mấy bài học xót lòng.
Nhìn lại các vụ đại án: Không biết lo xa ắt sẽ buồn gần
Đừng ai quên thấm thía rằng, bàn tay dẫu có lúc cao siêu, tinh vi đến mấy thì đâu cũng đủ khả năng che nổi mặt trời.
Xét xử ông Đinh La Thăng: Pháp luật nghiêm trị sẽ khiến tham nhũng phải co vòi
Chỉ khi “luật pháp bất vị thân” thì mới có thể khiến những con sâu tham nhũng, những con sâu lợi ích nhóm, bè phái, cánh hẩu, rụt cổ, co vòi lại.
Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Từ nước mắt đến... nước mắt
Nhưng, xin hãy bàn rộng ra, không chỉ những giọt nước mắt của những người đang bị luận tội và khép tội. Nước mắt gợi Nước mắt. Từ nước mắt đến Nước mắt.
Xét xử các vụ đại án tham nhũng: “Cùng tắc biến, biến tắc thông"
Khi người ta ăn hết của “trời cho”, “ăn không từ một thứ gì”, kể cả ăn cắp, thì nền kinh tế còn gì?