Triển khai 4 nhóm nhiệm vụ

Tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, các cơ quan chức năng của Hà Nội tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp; tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp có hành động phối hợp cùng thành phố. “Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại”, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

{keywords}
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kết quả giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua và giới thiệu tóm tắt Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ngay đầu năm, đại dịch Covid-19 đã bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan rất nhanh.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đặc biệt là các tháng 7, 8, 9 ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải, vui chơi giải trí... suy giảm mạnh. Sang tháng 10, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi. Tuy nhiên lũy kế 10 tháng vẫn giảm sâu hoặc chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Trong 10 tháng của năm 2021, có 19.848 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 17,16 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài 1,21 tỷ USD. Thu ngân sách 10 tháng đạt 215 nghìn tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán Trung ương giao và 85,7% dự toán của thành phố, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020, bảo đảm cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội.

Ngày 1/11, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022 và 2023. Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính, trong đó có hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Kế hoạch cũng đã đề ra 5 nhóm giải pháp. Trong nhóm giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thực hiện nhanh nhất, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại; hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thực hiện các cơ chế chính sách của thành phố.

Đề xuất, kiến nghị từ doanh nghiệp 

Trong phần đối thoại, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội cho biết, một trong các lĩnh vực trọng yếu của kinh tế Thủ đô hiện nay là các sản phẩm công nghiệp chủ lực.

“Chúng tôi kiến nghị, thành phố cần nhanh chóng có các giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh", ông kiến nghị.

{keywords}
Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19

Cùng với đó là đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin đối với người lao động tại các doanh nghiệp. Có hướng dẫn cụ thể hơn về công tác phòng, chống dịch tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy. Song song với đó là đẩy mạnh triển khai các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, xóa nợ, cơ cấu lại nguồn vay, giãn nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cho hay, qua khảo sát của tổ chức này, tính đến cuối tháng 8/2021 đã có 91% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, 76% có kết quả kinh doanh không tốt, thậm chí gần 30% rất tồi tệ do hệ quả của thời gian giãn cách xã hội từ tháng 6 đến tháng 8.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp FDI cũng thấu hiểu, tuân thủ các giải pháp mà Việt Nam và các địa phương, trong đó có Hà Nội thực hiện để kiểm soát dịch. Các doanh nghiệp cố gắng khắc phục, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, đồng hành với Chính phủ, các địa phương trong đó có Hà Nội vượt qua đại dịch.

Theo ông Minh, cộng đồng đánh giá cao Việt Nam, cũng như Hà Nội thời gian qua đã có những giải pháp mở cửa, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá để sớm khôi phục kinh tế, trở lại trạng thái bình thường mới. Để đẩy nhanh hơn quá trình này, đại diện Eurocham đề nghị Hà Nội tạo điều kiện về thủ tục nhập cảnh cho các nhà đầu tư, các chuyên gia vì hiện nay thủ tục này khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, người nhập cảnh vẫn phải cách ly y tế tập trung… 

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đợt dịch thứ 4 ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội, vì vậy, phải bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, thích ứng, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới thường xuyên đưa ra các khuyến cáo y tế khác nhau về phòng, chống dịch. Hiện nay, nhu cầu tiêm vắc xin trong nước chưa thể đáp ứng đủ, do đó, song song với việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch cũng được tiến hành trên cơ sở chọn đối tượng, đưa ra đối tượng phù hợp với lộ trình của vắc xin và diễn biến của dịch.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể, khi có F0, F1 tại nơi sản xuất, chỉ phong tỏa phân xưởng nơi có ca mắc, không phong tỏa cả nhà máy. Sau khi đưa F0, F1 đi cách ly, tiến hành phun khử khuẩn để sau 24 giờ có thể hoạt động trở lại bình thường…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 và thực hiện song song việc rà soát, sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh. Tinh thần chung là tích cực và quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các dự án đầu tư. Thời gian tới, sẽ nghiên cứu, sửa đổi một số luật cho phù hợp với thực tế; tích cực cải cách thủ tục hành chính, tích hợp một số thủ tục vào giấy phép đăng ký kinh doanh.

Bích Thủy